"Quạt cho phong trào lớn mạnh"

02:12, 07/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đó là chủ đề của buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 -2015. “Quạt cho phong trào lớn mạnh” không chỉ là dịp gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015 mà còn giúp chúng ta sống lại không khí thi đua yêu nước sôi động của 67 năm về trước.

TIN LIÊN QUAN

Đó là vào năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng chiếc quạt cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy và mời ông về làm Tổng Thư ký Ban vận động thi đua ái quốc với lời căn dặn: “Chú dùng cái quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”. Bồi hồi xúc động nghe lại lời hiệu triệu thi đua yêu nước năm xưa, toàn thể  2.000 đại biểu có mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã cùng đứng dậy, hưởng ứng, tiếp nối lời hiệu triệu, vẫy cao chiếc quạt, thể hiện sự chung sức, chung lòng trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

 Các đại biểu cùng vẫy quạt tiếp sức, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước
Các đại biểu cùng vẫy quạt tiếp sức, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước


Diễn ra trong 2 giờ đồng hồ với hình ảnh chiếc quạt xuyên suốt và những câu chuyện của 06 điển hình tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua yêu nước đã mang lại xúc cảm thật đẹp. Sau những thước phim ngắn, sau những lời chia sẻ là những nụ cười, những giọt nước mắt rơi của hàng nghìn người tham dự chương trình và nó cho thấy, thi đua yêu nước không cần phải từ những hành động, những việc làm quá lớn lao, mà đơn giản, nó có thể bắt nguồn từ những con người thật bình dị, khiêm nhường, với những việc làm, những hành động bình dị có, phi thường có, nhưng tất cả đều xuất phát từ trái tim, từ tình yêu với con người, với Tổ quốc Việt Nam.

 

Ông Phan Tấn Bện (giữa)
Ông Phan Tấn Bện (giữa) - nhà sáng chế máy cuốn rơm để không bỏ phí những cọng rơm, rạ trên đồng ruộng.


Mở đầu buổi giao lưu là câu chuyện của ông Phan Tấn Bện (tỉnh Đồng Tháp) - nhà sáng chế máy cuốn rơm để không bỏ phí những cọng rơm, rạ trên đồng ruộng. Ông  Bện chia sẻ: “Động lực để tôi sáng chế chiếc máy là xuất phát từ thực tế nhìn hình ảnh người dân đốt rơm lãng phí, trong khi những chiếc máy cùng chức năng do các nước khác sản xuất lại có nhiều hạn chế.

Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu và đã cho ra được chiếc máy gom rạ với nhiều ưu điểm là sạch sẽ, không bị dính bẩn, lấy rơm được nhiều hơn, sát bờ và có thể chạy được trên sình lầy cũng như đất khô, rất cơ động và hiện nay, máy gom rạ đã được xuất khẩu sang một số nước. Muốn sản phẩm của mình tồn tại, đứng vững được, không có cách nào khác phải cải tiến những cái đang có”.

Câu chuyện thứ hai là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông (tỉnh Thanh Hóa) - dù đã gần 70 tuổi, nhưng gần 15 năm nay, cô Thông vẫn ngày ngày lặng thầm làm công việc vận động, dạy chữ cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, người lớn mù chữ ở miền biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đồng thời xây dựng lên quỹ khuyến học lên đến 34 tỉ đồng cho địa phương.

Nói về việc làm tốt đẹp của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thông chia sẻ, cô là người giáo viên được Đảng, Nhà nước đào tạo để trồng người nên cô không thể "làm ngơ" khi nhìn thấy những trẻ em phải thất học vì khốn khó; những người già, người có tuổi vì điều kiện khó khăn mà không được học chữ nên khi đi các nơi, đến các cơ sở không biết đọc các chỉ dẫn, dẫn đến gặp nhiều chuyện "dở khóc dở cười. Nhờ học tại các lớp của cô, nhiều em đã có thể học lên cao hơn, theo kịp các bạn bè cùng trang lứa; nhiều em khuyết tật đã có thể tự tin hòa nhập cộng đồng, nhiều người lớn đã biết đọc chữ...Với cô thì “còn khỏe, còn sáng mắt ngày nào, tôi còn dạy ngày đó".

Câu chuyện thứ ba là một tấm gương sáng trong lực lượng Công an nhân dân - Đại úy Nguyễn Thành Hưng (công tác tại Cục cảnh sát Hình sự, Bộ Công an). Ngay từ bé, đồng chí đã mang trong mình ước mơ được đem lại bình yên cho người dân. Quá trình công tác, đồng chí đã tham gia hơn 20 chuyên án lớn. Bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, Đại úy Nguyễn Thành Hưng đã giữ trọn niềm tin của nhân dân về hình ảnh người chiến công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông


Câu chuyện thứ tư là người đã âm thầm đóng góp cho mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican cũng như Giáo hội Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Giáo hoàng tặng tước hiệu Hiệp sĩ đại thánh giá (năm 2008), tước hiệu cao nhất dành cho các tín đồ Thiên Chúa giáo – ông Lê Đức Thịnh (tỉnh Đồng Nai). Ông chính là cầu nối cho các cuộc đối thoại, vận động thuyết phục, tạo ra nhiều cuộc gặp gỡ, góp phần giúp công giáo Việt Nam ngày càng gắn bó, đồng hành cùng đất nước. 

Câu chuyện mang lại nhiều cảm xúc nhất chính là Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh - người đã gắn bó với nhân dân trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) gần 30 năm. Dù đã 03 lần có quyết định chuyển về đất liền nhưng vì tình yêu thương và sự an toàn sức khỏe của người dân trên đảo, ông đã gạt niềm riêng tư để làm trọn trách nhiệm của một lương y. Ông chia sẻ, là người thầy thuốc phải luôn thương yêu người bệnh, coi người bệnh như chính người thân, ruột thịt của mình. Vì sống xa gia đình, ông coi người dân trên đảo như người thân ruột thịt và coi đảo là quê hương, không còn khái niệm đi hoặc về nữa, mình phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo. Có những lúc, có hoàn cảnh dẫn ông đến những đắn đo nhưng may mắn, nhờ có sự động viên của người vợ trung hậu, đảm đang và người con gái biết yêu thương, chia sẻ với bố, ông đã vượt lên được hoàn cảnh, tiếp tục với nhiệm vụ của mình.

 Đại úy Nguyễn Thanh Hưng
Đại úy Nguyễn Thanh Hưng


Điều khiến ông ân hận, tiếc nuối nhất khi cha mẹ qua đời đã không thể có mặt ở nhà, những giây phút trưởng thành của con, những giây phút sum vầy vào những ngày trọng lễ của dân tộc ông cũng không thể chứng kiến... Nhưng chính sự yêu thương, tin tưởng của mỗi người dân trên vùng đảo địa đầu Tổ quốc đã níu chân ông, tiếp thêm cho ông động lực to lớn để gắn bó với vùng đảo này.

Câu chuyện cuối cùng là kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Xê (tỉnh Long An) - người đã mang giống chanh không hạt từ Mỹ về Việt Nam. Ông không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều người dân ở Long An làm giàu nhờ loại cây này, nhiều người đã xây được nhà lầu, chấm dứt những ngày lao đao, khốn khó vì trồng mía.

Hiện tại, ông đang phát triển giống bưởi da xanh không hạt và giống cam mới. Ông Xê cho biết, ước mơ lớn nhất của ông là nông nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, người dân được trang bị khoa học kỹ thuật để tránh rủi ro do thiếu hiểu biết. Trong bối cảnh hội nhập, khi nhiều sản phẩm nông nghiệp tràn vào Việt Nam và Việt Nam đang bị "chảy máu" ngoại tệ rất nhiều, ông Xê cho rằng, người nông dân cần tổ chức sản xuất trở lại, tránh tự phát, vì tự phát là tự sát, cần có định hướng, liên kết, có kế hoạch sản xuất. cùng với đó, người nông dân cần hạn chế bán thô sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến những sản phẩm tươi thành nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mỗi người mỗi một công việc, vị trí khau nhau nhưng ở họ có một điểm chung đó là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, tình yêu thương đồng bào, tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc. Họ đã mang đến những câu chuyện và kỷ niệm thật thú vị, xúc động cho chương trình Giao lưu với các điển hình tiên tiến trong các phong trào Thi đua yêu nước, qua đó, lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương yêu nước trong xã hội, khơi dậy hơn nữa tinh thần thi đua của toàn dân tộc.

 


Bài, ảnh: Thanh Thuận

-  

 


.