Ổn định hành lang pháp lý, làm cơ sở cho sự phát triển

08:12, 25/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 48) đã giúp hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Qua đó, góp phần tích cực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

TIN LIÊN QUAN

Nâng cao chất lượng thi hành pháp luật

Những năm gần đây, số lượng, chất lượng nội dung các nghị quyết do HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành ngày càng được nâng cao, đảm bảo cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn địa phương, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Theo thống kê, giai đoạn 2005 - 2015, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 4.148 nghị quyết đang còn hiệu lực. Trong khi đó, UBND các cấp ban hành 1.862 văn bản quy phạm pháp luật đang được thực thi.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình làm việc với Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 48 trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình làm việc với Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 48 trên địa bàn tỉnh.


Để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong 10 năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 35 hội nghị triển khai các văn bản luật cho hơn 8 nghìn lượt lãnh đạo các sở, ngành, hội đoàn thể tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tham gia; hơn 200 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi sinh hoạt pháp luật cho gần 20 nghìn lượt người tham dự; thực hiện gần 1.000 lượt tư vấn, trả lời pháp luật, giải đáp chế độ chính sách trên các chuyên mục của cơ quan thông tấn, báo chí…

Quá trình tổ chức thi hành pháp luật được triển khai thực hiện theo đúng quy định, mang lại những tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh được  thực hiện đúng quy định. Các trường hợp vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục quy định, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân.

“Hoàn thiện” con người

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 48, vấn đề đào tạo, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực làm công tác pháp luật luôn được tỉnh chú trọng. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, nhằm đáp ứng được yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước của địa phương. Thời gian qua, UBND tỉnh đã cho chủ trương các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đại học tổ chức nhiều lớp đào tạo cử nhân Luật để cán bộ, công chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng các tiêu chuẩn, chức danh theo quy định. Sở Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM đào tạo 3 lớp trung cấp luật cho trên 500 học viên, để các địa phương bố trí các chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật được Sở Tư pháp và UBND cấp huyện quan tâm, thực hiện thường xuyên. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều cử cán bộ, công chức tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở cấp tỉnh là 70 người, trong đó 20 người có trình độ cử nhân luật và 1 thạc sĩ luật. Số lượng đội ngũ công chức Tư pháp cấp huyện là 51 người, trong đó 22 người có trình độ cử nhân luật.

Tổng số công chức Tư pháp - hộ tịch của 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là 258 người. Nhờ đó, đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo về chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.