Nhiều vấn đề cử tri Quảng Ngãi quan tâm được đưa lên bàn nghị sự

10:12, 31/12/2015
.

*Nguyễn Cao Phúc-  Tỉnh ủy viên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở KH&ĐT


(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các ĐBQH khóa XIII của tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhiều vấn đề cử tri quan tâm được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội.

TIN LIÊN QUAN

Qua hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập hợp những bất cập trong cơ chế chính sách, công tác điều hành và đã kiến nghị Trung ương 91 vấn đề. Cùng với đó, qua hoạt động tiếp xúc cử tri đã tập hợp được 217 ý kiến, kiến nghị (kiến nghị đến Quốc hội 22 nội dung; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 72 nội dung; các bộ, ngành 123 nội dung) trên các lĩnh vực xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác quản lý nhà nước, công tác đối ngoại và đời sống nhân dân... Nhiều kiến nghị của Đoàn đã được tiếp thu và được đánh giá cao. Nổi bật là những kiến nghị liên quan đến ngư dân, biển đảo đã được tiếp thu, có tác động lớn đến địa phương.

Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII giám sát tình hình môi trường tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong KKT Dung Quất                                       Ảnh: Đ.Tân
Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII giám sát tình hình môi trường tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong KKT Dung Quất Ảnh: Đ.Tân


 Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển trên 130 km, có 5.555 tàu cá, với gần 30.000 lao động trực tiếp sản xuất trên biển. Ngư trường hoạt động trong cả nước, từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Tây Nam Bộ, từ vùng biển ven bờ ra đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế biển cũng như thấu hiểu những nặng nhọc, khó khăn của ngư dân, nhất là diễn biến hết sức phức tạp trên Biển Đông, Đoàn ĐBQH đã chủ động nhiều lần tiếp xúc với ngư dân, chính quyền huyện đảo Lý Sơn, các xã ven biển để nắm bắt thông tin, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

 Trên cơ sở đó, Đoàn đã liên tục và có nhiều kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành (qua văn bản, qua phản ánh trực tiếp tại các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, gặp mặt phản ánh trực tiếp với các vị Bộ trưởng, lãnh đạo Chính phủ tại nhiều kỳ họp) với nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể là, những khó khăn của ngư dân, đề xuất chính sách hỗ trợ ngư dân, cơ chế đầu tư cho biển, đảo; tăng cường ngoại giao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân khi khai thác trên ngư trường Quốc gia…

Qua đánh giá tình hình và nhận định tầm quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trong tình hình mới, Chính phủ đã trình và tại kỳ họp thứ 6 (ngày 9.6.2014) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 72/2014/QH13 trong đó, quyết định chi 16 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Ngoài ra, cùng với kiến nghị của địa phương, Đoàn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng cường nguồn lực đầu tư cho huyện đảo Lý Sơn nói chung và Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn giai đoạn 2. Đến nay, Thủ tướng chấp thuận đầu tư 100% vốn cho Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn từ ngân sách Trung ương, đồng thời đã phê duyệt Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4.11.2014 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, giai đoạn 2015-2020.  Nhờ đó, diện mạo của Lý Sơn dần thay đổi, từng phát triển mạnh về kinh tế và vững về quốc phòng, an ninh; giữ vững vai trò chiến lược của đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67/CP vẫn còn nhiều bất cập, thông qua việc giám sát tại Lý Sơn và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Đoàn đã cùng địa phương kiến nghị, đến nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7.10.2015. Theo đó, nâng thời hạn vay từ 11 năm lên 16 năm; mở rộng áp dụng chính sách ưu đãi tín dụng đối với cả trường hợp mua máy đã qua sử dụng khi nâng cấp công suất tàu, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tin rằng, trong thời gian đến những chính sách của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP sẽ được thực hiện mạnh mẽ, mang lại hiệu ứng tích cực, thay đổi phương thức đánh bắt để phát huy lợi thế của một đất nước có biển, phát triển vững mạnh kinh tế biển, nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của nước ta.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số kiến nghị của Đoàn đã được Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương tiếp thu, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên chưa được giải quyết. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao đối với cử tri, Đoàn ĐBQH đã nỗ lực không ngừng để thực hiện hoàn thành trọng trách với cử tri. Thực hiện tốt nhiệm vụ giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên tiếp xúc và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Những hoạt động đó luôn được phát huy và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, giữ vững niềm tin của cử tri vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và vai trò lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội./.


 


.