Tiếp tục đột phá về phát triển nguồn nhân lực

04:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất phát từ thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh ta, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục xác định và coi nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững của tỉnh.

Để kiên trì và quyết tâm thực hiện chủ trương trên, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã bàn và đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có những giải pháp được vận dụng từ sự chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, đề ra những giải pháp có tính đặc thù của tỉnh, phù hợp với thực tế và yêu cầu của địa phương.

Từ nền tảng...

Qua đánh giá thực trạng và dự báo nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch và cử CB, CCVC đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức (CB, CCVC) trong hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng được nâng lên.
 

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực


Cùng với việc đào tạo bồi dưỡng trong nước, trong những năm đến tỉnh chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng trung tâm phát triển nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề, các cơ sở y tế chuyên sâu...


Cùng với việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thời gian qua tỉnh cũng đã thu hút được 124 người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, vượt chỉ tiêu về đào tạo, thu hút tiến sĩ, thạc sĩ theo Nghị quyết 05 (khóa XVIII). Công tác thi tuyển, tuyển dụng và xét tuyển CB, CCVC đã đi vào nền nếp, tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước. Số CB, CCVC được tuyển dụng vào các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh nói chung bảo đảm đúng chức danh cần tuyển, đạt các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp; chất lượng cán bộ quy hoạch từng bước được nâng lên; công tác điều động, luân chuyển cán bộ có chuyển biến tốt, đã góp phần tích cực trong việc đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn.

Việc bố trí, sử dụng CB, CCVC trong hệ thống chính trị tỉnh cơ bản bảo đảm đúng quy định, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và sở trường. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách và bố trí ngân sách phục vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh tiếp tục được quan tâm. Hằng năm, tỉnh cũng đã huy động từ 12-13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho việc thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút đối với CB, CCVC đi đào tạo nâng cao trình độ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác và làm việc tại tỉnh.

ĐVTN đặt câu hỏi với lãnh đạo BSR về chính sách thu hút nguồn nhân lực.
ĐVTN đặt câu hỏi với lãnh đạo BSR về chính sách thu hút nguồn nhân lực.

 

Có thể khẳng định rằng, với những chủ trương đúng đắn và bằng những giải pháp phù hợp đã đề ra, việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong những năm qua đã có những bước chuyển khá quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực trên một số mặt chưa hiệu quả; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm. Số lượng người được đào tạo nghề nhiều nhưng có việc làm còn ít; ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thị trường lao động chưa phát triển. Trình độ năng lực của CB, CCVC trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế...

... hướng đến nâng cao chất lượng cán bộ

Từ những thực trạng đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra một số giải pháp để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nhân lực trong hệ thống chính trị. Đó là, phải quán triệt quan điểm con người là nền tảng, yếu tố quyết định trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về phát triển nguồn nhân lực; tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách và lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội, chú trọng nhân lực trong hệ thống chính trị trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ. Từng bước hoàn thiện các cơ quan quản lý phát triển nhân lực nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhân lực; thu thập, phân tích các số liệu về nguồn nhân lực ở tất cả các cấp, các ngành; thường xuyên khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu nhân lực ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đổi mới và tăng cường công tác đào tạo và dạy nghề cho người lao động. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác thi tuyển, xét tuyển; việc tuyển dụng công chức, viên chức phải bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo từng vị trí việc làm đã phê duyệt.

Cùng với đó là, thực hiện chặt chẽ công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ cho CB, CCVC của tỉnh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút những người tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, loại giỏi, những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ về làm việc tại tỉnh.


Với những giải pháp đề ra cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực của Đảng bộ tỉnh sẽ góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
 

Thanh Thuận
 

.