Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc làm Tổng thư ký Quốc hội

03:11, 25/11/2015
.

Sáng 25/11, với 79,96% ĐB bỏ phiếu đồng ý, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được bầu làm Tổng thư ký Quốc hội khoá XIII
 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc


Đầu giờ làm việc sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về đề nghị phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; dự kiến nhân sự Tổng thư ký Quốc hội.

Theo đó, nhìn chung các đoàn ĐBQH đều nhất trí. Người đạt số phiếu cao nhất là 468 phiếu, đạt tỷ lệ 100% số phiếu thu về và chiến 94,73% số đại biểu QH. Người đạt số phiếu thấp nhất là 465 phiếu, chiếm tỷ lệ 99, 35% số phiếu thu về, chiếm 94, 12% tổng số ĐBQH.

Có ý kiến cho rằng, đối với một số chức danh, thời gian tới, nếu không còn giữ chức vụ như hiện nay còn là thành viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia hay không?

"Về vấn đề này, Chủ tịch HĐ Bầu cử Quốc gia, UBTVQH đã thảo luận, cân nhắc kỹ và xin báo cáo như sau: Việc giới thiệu thành viên HĐ BCQG theo quy định của pháp luật và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay. Các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể đều thực hiện theo sự phân công của Đảng.

Trong quá trình hoạt động từ nay đến khi bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2012 nếu có sự thay đổi chức danh đảm nhiệm và xét thấy cần thiết, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét quyết định. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia và UB TVQH đề nghị QH phê chuẩn các ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia như đã trình để Hội đồng Bầu cử Quốc gia sớm đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật - Bà Tòng Thị Phóng cho biết.

Về nhân sự bầu Tổng thư ký, nhìn chung đa số đoàn đại biểu QH đều nhất trí với tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để QH bầu Tổng thư ký  Số phiếu thu về 468 phiếu, số phiếu đồng ý là 441 phiếu, chiếm tỷ lệ 94,23% số phiếu thu về và 89,27% tổng số ĐBQH.

Số phiếu không đồng ý là 7 phiếu chiếm tỷ lệ 1,49% số phiếu thu về và 1,41% trên tổng số ĐBQH. Số phiếu không thể hiện chính kiến là 20 phiếu, chiếm tỷ lệ 4,27% số phiếu thu về và chiếm tỷ lệ 4,05% trên tổng số ĐBQH.

Ngoài ra có một số ĐB đề nghị giải thích về căn cứ pháp lý bầu Tổng thư ký, đồng thời, nên bầu chức danh Tổng thư ký vào kỳ họp thứ 3/2016...

"Điều 98, 99 của Luật Tổ chức QH quy định, Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu và miễn nhiệm. Tổng thư ký QH đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng  QH. Luật tổ chức QH có hiệu lực từ 1/1/2016. Từ nay đến thời điểm có hiệu lực thời gian không còn dài, mặt khác, để đến kỳ họp tiếp theo tháng 3/2016 mới bầu thì thời gian này sẽ không có Tổng thư ký QH để thực hiện các nhiệm vụ theo Luật tổ chức QH. Vì vậy, việc bầu chức danh Tổng thư ký QH là cần thiết và phù hợp thực tiễn. Đồng thời, không phải tổ chức thêm một kỳ họp bất thường để bầu Tổng thư ký QH.

Theo thông lệ Nghị quyết về nhân sự sẽ có hiệu lực thi hành ngay nhưng để phù hợp với thời điểm có hiệu lực của luật tổ chức QH và tiếp thu ý kiến của ĐBQH thì Nghị quyết về việc bầu Tổng thư ký QH sẽ có điều quy định rõ về thời điểm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Tổ chức QH là ngày 1/1/2016.

Việc bầu là thực hiện chương trình kỳ họp thứ 10 đã được QH thông qua.

Tiếp đó, trong phần biểu quyết thông qua danh sách để QH bầu Tổng thư ký Quốc hội, có 429 ĐB tán thành (chiếm 86,84% tổng số ĐB), đồng ý chốt danh sách bầu Tổng thư ký QH khoá XIII là đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đồng chí Huỳnh Văn Tý tiếp tục được tín nhiệm làm Trưởng ban kiểm phiếu. Kết quả có 79,96% ĐB bỏ phiếu đồng ý bầu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc làm Tổng thư ký Quốc hội khoá XIII

Dự thảo Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã được 100% biểu quyết đồng tình thông qua.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Sinh Hùng hứa sẽ làm việc hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiếp pháp và pháp luật để cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiếp pháp và pháp luật; đồng thời mong muốn các ĐBQH tiếp tục ủng hộ, giám sát, giúp đỡ và mong được đồng bào cả nước ủng hộ để tổ chức thành công cuộc bầu cử vào ngày 22/5/2016.

Cũng trong sáng nay, các ĐB đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng thư ký Quốc hội.

Theo Bảo Hân/Hà Nội Mới

 


.