Hướng về ngày hội lớn

03:10, 20/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiều hôm nay (20.10), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 tiến hành phiên Đại hội trù bị. Có thể nói rằng, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, long trọng của Ban tổ chức Đại hội, người dân ở khắp các vùng miền trong tỉnh cũng đang hướng về sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh nhà với niềm hân hoan và tin tưởng lớn lao…

TIN LIÊN QUAN

 

Sau gần 2 năm Ba Vinh được Chính phủ công nhận là 1 trong 6 xã, thị trấn của huyện Ba Tơ là vùng ATK, nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cụ thể là, tuyến đường huyết mạch ĐT 624 đi qua địa bàn xã vẫn chỉ là đường đất, nên người dân vùng căn cứ cách mạng núi Cao Muôn muốn phát triển kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn. Tại Đại hội lần này, tôi mong tỉnh đưa ra nhiều chính sách mới để phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi nói chung, vùng  ATK nói riêng…
Ông Đinh Văn Ép (ảnh), 40 năm tuổi Đảng, ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh, mong muốn.
Mong tiếp sức cho kinh tế biển

Với ngư dân, dẫu suốt ngày đêm lênh đênh trên sóng biển, nhưng không phải vì thế mà không quan tâm đến những sự kiện chính trị của tỉnh nhà. Tại các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền trong tỉnh luôn nhộn nhịp cảnh tàu thuyền cập bến, với cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Trên khuôn mặt mỗi ngư dân luôn rạng ngời niềm vui.
 
Ngư dân Lê Huy Phúc- đảng viên thuộc Đảng bộ xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), bộc bạch trong niềm phấn khởi: Không phải vì tôi là đảng viên mới quan tâm đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, mà gần một tháng qua, anh em đi bạn trên tàu cũng luôn quan tâm đến sự kiện này. “Chúng tôi đi biển vừa là kế mưu sinh nuôi sống gia đình, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ  mà Đảng và Nhà nước luôn tin tưởng, gửi gắm cho mỗi chúng tôi là tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, chúng tôi rất mong nhận được sự tiếp sức của các cấp, các ngành để vững tin vươn khơi bám biển”, ngư dân Huỳnh Văn Minh nói.

Phải nói rằng, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả chiến lược biển Việt Nam, trong đó thực hiện phát triển toàn diện ngành thuỷ sản; nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ kết hợp với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo và bảo vệ quyền lợi của ngư dân. Sản lượng thủy sản đánh bắt tăng bình quân 7,4%/năm.

Riêng năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt gần 160 ngàn tấn, tăng hơn 46 ngàn tấn so với năm 2010; giá trị sản xuất đạt 1.180 tỷ đồng. Đặc biệt, đội tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi không ngừng lớn mạnh, tổng công suất tàu cá đã vượt ngưỡng 1 triệu mã lực... Vì thế, bước vào kỳ Đại hội lần này, ngư dân trong tỉnh tiếp tục kỳ vọng về sự phát triển bền vững của ngành kinh tế biển. Ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt, xã Bình Chánh (Bình Sơn), mong ước: Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vốn vay để ngư dân đóng thêm nhiều tàu vỏ thép công suất lớn, từng bước hình thành đội tàu cá hiện đại và an toàn, giúp ngư dân tự tin bám biển làm ăn…
Nội Chính Sinh viên Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.                                               Ảnh: N.TRIỀU
Nội Chính Sinh viên Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Ảnh: N.TRIỀU


Thêm nhiều “cần câu”

Những ngày này, không khí Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã ngập tràn khắp các KDC và trên tận các rẻo cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi công tác tuyên truyền, cổ động, kết hợp chiếu phim lưu động… về sự kiện chính trị trọng đại này được cấp ủy, chính quyền các huyện miền núi tổ chức rầm rộ trong nhiều tuần qua. Với người dân trong tỉnh nói chung, đồng bào miền núi nói riêng, điều họ quan tâm là mỗi kỳ Đại hội không chỉ bầu ra những cán bộ đủ đức, đủ tài để gánh vác nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà; mà đại biểu cần thảo luận để quyết nghị những chính sách đúng đắn để tỉnh nhà phát triển, đặc biệt là thu hẹp dần khoảng cách đời sống người dân giữa các vùng miền.

CCB Đinh Văn Lập, thôn Nước Tang, xã Sơn Bua (Sơn Tây) mong muốn: Công tác giảm nghèo đạt hiệu quả nhanh và bền vững; phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm.  Để các huyện miền núi, vùng đồng bào thiểu số phát triển, tại Đại hội lần này, các đại biểu cần quan tâm, thảo luận, đề xuất và đưa vào mục tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ tới thật khả thi. Trước mắt, cần tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt và các thiết chế văn hóa…

Còn đảng viên Đinh Văn Ép ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh (Ba Tơ) thì cho rằng, để công tác giảm nghèo ở miền núi nhanh và bền vững thì Đảng và Nhà nước phải cho người dân nhiều “chiếc cần câu” và chỉ cho họ “cách câu”. “Tôi nghĩ rằng, sau đại hội, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo ở miền núi để tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác này, thì mới sớm rút ngắn khoảng cách đời sống của người dân…”, ông Đinh Văn Ép nói.

Đây là mong muốn chính đáng, bởi đời sống của đại bộ phận đồng bào vùng cao của tỉnh tuy có nâng lên, nhưng chưa thật sự bền vững, bởi do tác động nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
 

 

Tôi luôn có niềm tin rằng, Đại hội lần này sẽ chọn được những đồng chí có đủ đức, đủ tài… đảm đương tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó. Tôi cũng mong rằng, tỉnh ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ngày càng mạnh mẽ hơn; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, nhất là tham nhũng, lãng phí để tạo thêm niềm tin vững chắc trong các tầng lớp nhân dân”.
Ông Tạ Công Hiền (ảnh) - nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi.

Tin tưởng vào sự sáng suốt của Đại hội

Là người luôn theo dõi sát sao tình hình chính trị, kinh tế- xã hội của tỉnh, ông Tạ Công Hiền - nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi, tin rằng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ tiếp tục mở ra thời cơ, vận hội mới để tỉnh nhà phát triển. Đây cũng là mong muốn chung của các tầng lớp nhân dân ở Quảng Ngãi. Ông Trần Đức Đoàn (84 tuổi), ở đường Quang Trung, TP.Quảng Ngãi, cho rằng, nhiều năm qua, Quảng Ngãi được Trung ương và tỉnh đầu tư nhiều kinh phí để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Bộ mặt của tỉnh khang trang, hiện đại hơn, đời sống của đại bộ phận người dân được nâng lên. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn những vấn đề cần được giải quyết. “Đại hội lần này phải dành nhiều thời gian bàn về các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp và xây dựng các tuyến giao thông kết nối giữa Quảng Ngãi với các địa phương trong khu vực miền Trung, cũng như “khai thông” các tuyến đường nối TP.Quảng Ngãi với KKT Dung Quất, cùng các địa phương khác trong tỉnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập”, ông Đoàn gửi gắm đến Đại hội.

Phấn khởi trước sự phát triển của quê hương Mộ Đức, ông Trần Ngọc An (84 tuổi), ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú đã không giấu được niềm vui khi trò chuyện với chúng tôi. Ông bảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở các vùng quê trong tỉnh đã được đầu tư khá hoàn thiện, đời sống của đại đa số người dân không ngừng được cải thiện... “Chúng tôi hy vọng nhiệm kỳ mới sẽ  có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn nữa, nhất là thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao mức sống của người nông dân”, ông An nói.


Nhóm PV

 


.