Nghị quyết của lòng dân- Kỳ 4: Khi nội lực được khơi thông

06:09, 19/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lấy dân làm gốc, tạo niềm tin trong dân, gắn kết vạn tấm lòng làm một… là “kim chỉ nam” giúp cấp ủy, chính quyền hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng. Nhờ sự đồng thuận của người dân mà nhiều nguồn nội lực được khơi thông, dấy lên phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân, góp sức phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày một giàu đẹp hơn.

TIN LIÊN QUAN

Ý Đảng hợp với lòng dân

Với quyết tâm chủ động nguồn nước tưới cho hơn 100ha lúa thường xuyên bị thiếu nước trong vụ hè thu ở xã Bình Minh (Bình Sơn), dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bình Sơn đã tiến hành khảo sát và cho đầu tư hệ thống ống dẫn nước ở độ cao 1.200m từ thác Vực Bà. Ý tưởng là thế, nhưng khi thực hiện công trình thì gặp rất nhiều cái khó, như  đường giao thông lên Vực Bà chưa có, đường ống phải xuyên qua nhiều diện tích đất rừng của dân xóm Bá Lăng, thôn Mỹ Long.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi gia đình ngư dân Lê Đầy ở xã An Hải (Lý Sơn).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi gia đình ngư dân Lê Đầy ở xã An Hải (Lý Sơn).


Chia sẻ với chúng tôi về những cái khó đó, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà, nói: “Rất vui là, ở công trình này, ý Đảng đã hợp với lòng dân, nên người dân đã mở lòng hiến đất”. Thật vậy, đồng lòng “gỡ khó” cho huyện, 30 hộ dân ở xóm Bá Lăng tự nguyện hiến gần 8.000m2 đất. Ông Trần Đạo, người hiến 1.000m2 đất sản xuất, xẻ đôi rẫy keo của gia đình, bộc bạch:  “Bao năm nay, người dân trong vùng luôn khổ sở vì không chủ động được nước tưới vụ hè thu, khiến cuộc sống bấp bênh. Giờ Nhà nước bỏ ra tiền tỷ, mình chỉ bỏ ít đất để người dân chủ động được nguồn nước tưới thì có đáng là bao!”. Tấm lòng của người dân xóm Bá Lăng cũng là động lực để huyện Bình Sơn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Và chỉ trong một thời gian ngắn, công trình cấp nước từ Vực Bà có tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng, với quy mô 1,8km ống thép đã hoàn thành, mang lại niềm vui khôn xiết cho người dân.  
 

“Quảng Ngãi hiện có 5.500 tàu, với tổng công suất hơn 1 triệu mã lực đang hành nghề trên biển. Ngư dân trong tỉnh đã tập trung đầu tư cải hoán, nâng công suất tàu và đóng cả tàu sắt để vươn ra biển lớn. Hiện Quảng Ngãi đang là một trong những tỉnh có số lượng ngư dân và đội tàu lớn trong cả nước...”
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết

Với người dân xã Bình Minh- một xã nghèo được mệnh danh là “rốn lũ” bên dòng sông Trà Bồng thì việc góp sức cùng chính quyền xây dựng quê hương thì không phải là chuyện hiếm. Năm 2010, khi phong trào làm đường bê tông nông thôn được phát động, hàng trăm hộ dân thôn Mỹ Long, Lộc Thanh, Tân Phước đã tự nguyện dời hàng rào, nhường đất để nâng cấp, mở rộng đường. Nhờ đó, đến thời điểm này hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm ở xã đều được bê tông, làm cho bộ mặt nông thôn khang trang. Còn với xã Bình Mỹ, trong 10 năm (2002 đến 2012) không làm được đường giao thông nông thôn thì từ năm 2013 cho đến nay, nhờ gắn kết và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, 100% tuyến đường đất liên thôn, xóm với tổng chiều dài gần 7km đã được bê tông.  

Trước những tấm lòng rộng mở của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã lập hẳn một “Sổ vàng” để ghi danh những hộ dân có những nghĩa cử cao đẹp. Bí thư Đảng ủy xã Hành Minh Lê Duy Nghĩa, chia sẻ: “Những cống hiến của người dân trong xã rất đáng trân trọng, nên Đảng ủy xã quyết định ghi danh họ vào Sổ vàng. Bởi lẽ, nếu lòng dân không rộng mở thì nay xã khó mà chạm đích nông thôn mới”.

Những câu chuyện về lòng dân đối với phong trào xây dựng nông thôn mới không chỉ bó hẹp ở những xã điểm của tỉnh, của huyện, mà ngày càng lan tỏa ra khắp các địa phương trong tỉnh, bởi theo như lời Bí thư Đảng ủy xã Hành Minh Lê Duy Nghĩa là phải làm sao để người dân thấy, hiểu được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của họ trong phong trào này thì dù có nghèo khó đến mấy người dân cũng ủng hộ. Không chỉ người dân ở quê, mà những con em Quảng Ngãi đang làm ăn, sinh sống ở khắp mọi miền đất nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng chung sức với phong trào xây dựng nông thôn mới đầy ý nghĩa này. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ thời điểm phong trào xây dựng nông thôn mới được khởi xướng đã có hàng chục nghìn ngày công, hàng nghìn mét vuông đất, hàng trăm tỷ đồng… được các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp cho phong trào này. Bà Đinh Thị Hồng Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh có lần chia sẻ với chúng tôi: Sức dân không phải là vô hạn, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng thì sẽ không bao giờ hết.

Sức mạnh từ “triết lý bó đũa”

Câu chuyện về sức mạnh của lòng dân còn thể hiện rõ nét ở lòng quyết tâm vươn khơi, bám biển, tự nguyện làm cột mốc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của hàng nghìn ngư dân Quảng Ngãi. Đoàn kết là câu chuyện có từ bao đời nay của ngư dân Quảng Ngãi, nhưng nay càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo thành những “bó đũa” không thể nào bẻ gãy được, bằng cách ra khơi theo từng tổ, đội và sau lưng họ luôn có Nghiệp đoàn nghề cá, các lực lượng chức năng khác. Hiện Quảng Ngãi đã thành lập được 6 nghiệp đoàn nghề cá với 2.000 đoàn viên. Các Nghiệp đoàn nghề cá đều có người trực máy Icom để nối thông tin từ đất liền với ngư dân và ngược lại. Nhờ đó, tàu nào bị tai nạn, hư hỏng máy móc sẽ lập tức có tàu đến ứng cứu, hỗ trợ. Ra khơi theo tổ, đội không chỉ bảo đảm an toàn cho ngư dân mà còn tăng thu nhập cho mỗi chuyến biển qua việc hỗ trợ nhau tìm luồng cá, giảm chi phí xăng dầu.

 

Công trình cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp được đầu tư trên thác Vực Bà.
Công trình cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp được đầu tư trên thác Vực Bà.


Nhờ việc thực hiện mô hình tổ đội khai thác, mà ngư dân của Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn) đã 18 lần cứu nạn lẫn nhau thành công. Ngư dân Lê Khởi với 8 lần cứu nạn tàu bạn, ngư dân Phùng Trung Thành 4 lần giúp tàu gặp nạn, ngư dân Bùi Giống, Dương Hoanh, Nguyễn Văn Hải 3 lần cứu giúp tàu bạn… là những gương mặt điển hình của ngư dân huyện đảo Lý Sơn được UBND tỉnh nhiều lần trao tặng bằng khen về tinh thần xả thân cứu hộ, cứu nạn. “Mỗi lần cứu hộ, cứu nạn tàu bạn, ngoài chi phí xăng dầu, chúng tôi còn chấp nhận mất luôn các phí tổn khác cho phiên biển với số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng. Vài trăm triệu đồng lớn thật, nhưng việc cứu hộ, cứu nạn còn lớn lao, cần thiết hơn, nên anh em chúng tôi xác định sẽ luôn sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ lẫn nhau khi hành nghề”, ngư dân Bùi Giống bày tỏ.

Ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn) khẳng định: Ngư dân chúng tôi luôn tiếp bước truyền thống của cha ông vươn khơi bám biển làm ăn trên 2 ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa, coi đây như là ao cá, sân vườn của mình. Dù có bị ngăn cản, cướp đi tài sản, bị đe dọa tính mạng, nhưng với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam không cho phép ngư dân chúng tôi chùn bước. Bởi bên cạnh chúng tôi luôn có Đảng và Nhà nước, các lực lượng chức năng cùng với các tầng lớp nhân dân cả nước.

Sự hiện diện những con tàu của ngư dân Quảng Ngãi mang theo lá cờ Tổ quốc trong mỗi chuyến ra khơi như những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, góp phần cùng ngư dân cả nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Bài, ảnh: Ý Thu - Sa Huỳnh



 
               
 


.