Nghị quyết của lòng dân- Kỳ 3: Công nghiệp phát triển đột phá

02:09, 18/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu tháng 9 này, trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân từ miền ngược xuống miền xuôi, từ đồng bằng đến thành thị như rộn rã hơn. Tất cả đang hướng về Đại hội đại  biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với niềm tin mới, tâm thế mới. Chỉ sau 5 năm, bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi ngày càng rạng rỡ, đặc biệt là công nghiệp đã phát triển đột phá như kỳ vọng, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo vươn lên tốp khá của cả nước.

TIN LIÊN QUAN

Với mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) tiếp tục ra Nghị quyết xác định công nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Bám sát Nghị quyết chuyên đề này, Quảng Ngãi đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển theo định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh… để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Đột phá vào những lĩnh vực mới

Không khó để nhận diện, bước đột phá mạnh mẽ của công nghiệp Quảng Ngãi được tạo ra khi Dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009. Công trình trọng điểm quốc gia này không chỉ đặt nền móng cho ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước mà có ý nghĩa quyết định, là hạt nhân trong quá trình phát triển của Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Đấy cũng là trụ cột chính đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi nhảy vọt trong những năm qua.

NMLD Dung Quất đi vào hoạt động từ năm 2009 đã làm thay đổi căn bản diện mạo công nghiệp Quảng Ngãi.     Ảnh: TL
NMLD Dung Quất đi vào hoạt động từ năm 2009 đã làm thay đổi căn bản diện mạo công nghiệp Quảng Ngãi. Ảnh: TL


Ông Đinh Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay, hiệu quả của NMLD Dung Quất được minh chứng bởi những con số: Sản xuất và tiêu thụ xấp xỉ 35 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 700 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt gần 120 nghìn tỷ đồng. “Nếu so với mức tổng quyết toán nhà máy là hơn 33 nghìn tỷ đồng thì con số này là một minh chứng thuyết phục, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chính phủ trong quyết định đầu tư nhà máy tại Quảng Ngãi”-ông Ngọc tự hào khẳng định.
 

Nhiều bài học kinh nghiệm

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nêu rõ: Có được những kết quả nêu trên là nhờ tỉnh bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh, của đất nước, tăng cường phân tích, dự báo để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tỉnh bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy trong huy động và sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong chỉ đạo thực hiện, phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm giấy tờ hành chính, tăng chỉ đạo trực tiếp..

Cũng đứng chân tại KKT Dung Quất, sau 6 năm chính thức đi vào sản xuất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina đã gặt hái được nhiều thành công. Ông Ryu Hang Ha - Tổng Giám đốc Doosan Việt Nam (giai đoạn 2011-2015) thông tin, sản phẩm cơ khí chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao của doanh nghiệp FDI này không chỉ cung cấp các thiết bị quan trọng cho các dự án cơ khí trọng điểm quốc gia như dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II ở Quảng Ninh (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ở Bình Thuận (1.200 MW), đặc biệt là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa-NMLD thứ hai của Việt Nam mà đã có mặt ở gần 30 nước trên thế giới. Không những thế, Doosan Vina đã được cấp chứng nhận đủ năng lực sản xuất các thiết bị sử dụng trong ngành công nghiệp điện hạt nhân. Đây là nhà cung cấp thiết bị hạt nhân ASME đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Về Quảng Ngãi trong những ngày mùa thu năm 2015 khi cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chia vui, Quảng Ngãi không chỉ phát huy truyền thống Anh hùng đi đầu trong kháng chiến mà còn đi đầu trong phát triển những ngành công nghiệp mới. Với NMLD số 1, rồi cụm công nghiệp lọc-hóa dầu đầu tiên và là địa phương có tổ hợp công nghiệp chế tạo cơ khí hiện đại hàng đầu Việt Nam… Quảng Ngãi phải tự hào với sự tiên phong trong những lĩnh vực công nghiệp mới, có giá trị gia tăng cao.

Phân vai phát triển

Nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để phát triển công nghiệp, Quảng Ngãi đã “phân vai” cụ thể cho từng khu, cụm công nghiệp. Ở KKT Dung Quất, trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu, cơ khí, chế tạo, đóng tàu... gắn với khai thác lợi thế cảng nước sâu, góp phần đưa Dung Quất thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Với diện tích mở rộng lên hơn 45 nghìn ha, KKT Dung Quất đã và đang tiếp tục quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) theo mô hình “khu trong khu”. Đến năm 2015, KKT Dung Quất có 122 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD. Trong số này có 80 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 5 tỷ USD, giải quyết việc làm trên 20 nghìn lao động.

 
 Sản phẩm cơ khí chế tạo của Doosan Vina hiện đã xuất khẩu sang gần 30 nước.
Sản phẩm cơ khí chế tạo của Doosan Vina hiện đã xuất khẩu sang gần 30 nước.

Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng


Ngoài các sản phẩm của NMLD, Quảng Ngãi đã có các sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện điện tử, hạt nhựa polypropylene, giày da, may mặc, thủy sản chế biến… Trong khi đó các mặt hàng truyền thống của Quảng Ngãi tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường như Vinasoy, Thạch Bích, đường RS, bánh kẹo Biscafun…


Song hành với Dung Quất, các KCN của tỉnh cũng được đầu tư hạ tầng. Đến nay, các KCN Tịnh Phong (Sơn Tịnh), Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) đạt tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 80% và 100%; KCN mới ở Phổ Phong (Đức Phổ) cũng thu hút những dự án đầu tiên. “Tập trung thu hút, khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp nhẹ, hiện các KCN tỉnh có 100 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 6.200 tỷ đồng. Hiện 60 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện 5.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 15 nghìn lao động”, ông Lê Hồng Hà-Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh cho hay.

Ở các địa phương, các cụm công nghiệp-làng nghề được rà soát, đầu tư để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư các ngành nghề cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông thôn; chế biến nông, lâm, thuỷ sản và sử dụng nhiều nguyên liệu, lao động tại chỗ... Đến nay, 11 cụm công nghiệp trong toàn tỉnh đã thu hút 74 dự án, qua đó không chỉ tạo giá trị sản xuất công nghiệp (năm 2014 đạt 1.640 tỷ đồng) mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyến dịch cơ cấu lao động cho các vùng nông thôn.

Trong dòng chảy phát triển của công nghiệp Quảng Ngãi không thể không kể đến Dự án Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP do Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư. VSIP Quảng Ngãi được quy hoạch với tổng diện tích 1.226ha và dù đang thực hiện giai đoạn 1 (660ha), nhưng VSIP Quảng Ngãi đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước và tạo động lực mới cho sự phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ của tỉnh.

Ông Anthony Tan - Phó Tổng Giám đốc VSIP, kiêm Giám đốc Công ty VSIP Quảng Ngãi vui mừng thông tin, sau gần 2 năm vừa triển khai xây dựng, vừa kêu gọi đầu tư, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút 10 dự án (chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài), với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 135 triệu USD. Trong số này có 3 dự án đi vào hoạt động. Vừa qua, Công ty Liên doanh VSIP đã triển khai đầu tư giai đoạn tiếp theo, nhằm “cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tại KCN, đồng thời hướng đến việc mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng khi đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi”-ông Anthony Tan cam kết.

Vóc dáng mới

Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ cả quy mô lẫn năng lực sản xuất, mà công nghiệp của tỉnh đã và đang giữ vai trò đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến phát triển đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Quảng Ngãi. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP năm 2010 mới đạt 46,12% thì đến năm 2015 đã chiếm 62%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 22.234 tỷ đồng, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2010. Điều quan trọng hơn là Quảng Ngãi đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp.

Với bước đột phá trong phát triển công nghiệp, từ một tỉnh thuần nông Quảng Ngãi đang vững chân để hướng tới tỉnh công nghiệp. Ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi cho rằng, với những thành tựu đã đạt được, cùng với những dự án công nghiệp trọng điểm đã và đang triển khai là nền tảng quan trọng để công nghiệp Quảng Ngãi tiếp tục bứt phá trong tương lai gần, để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU


*Kỳ 4: Khi nội lực được khơi thông
 


.