Đẩy mạnh phong trào thi đua để góp phần sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

03:08, 21/08/2015
.

 *Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ
 


(Báo Quảng Ngãi)-  Phong trào thi đua yêu nước đã dấy lên khí thế thi đua sôi nổi, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhân Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VI năm 2015, Báo Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu bài viết của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ.

TIN LIÊN QUAN

Trong 5 năm qua, công tác thi đua và khen thưởng của tỉnh có nhiều đổi mới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua sát với yêu cầu của thực tiễn, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, các ngành, lĩnh vực và trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng và đều khắp, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi (tháng 7.2014).                                                                                                                 Ảnh: NG.TRIỀU
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi (tháng 7.2014). Ảnh: NG.TRIỀU


Với tinh thần “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, toàn tỉnh đã dấy lên khí thế thi đua sôi nổi từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cho đến mỗi nếp nhà. Sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, quân và Nhân dân trong tỉnh đã tạo nên sức mạnh để Quảng Ngãi vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Trong lĩnh vực kinh tế, các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, huy động các nguồn lực đầu tư… được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu tỉnh đã đề ra.

Trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Quy mô tổng sản phẩm năm 2015 (giá so sánh năm 1994) đạt 12.410 tỷ đồng, tăng 3.652 tỷ đồng so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.485 USD (vượt 13% chỉ tiêu nghị quyết). Khu Kinh tế Dung Quất có bước phát triển khá, cùng với Khu công nghiệp và dịch vụ VSIP tạo thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh và của khu vực miền Trung.  

Đặc biệt, toàn tỉnh đang hăng hái thi đua thực hiện phong trào “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang đến cho các địa phương luồng sinh khí mới. Từ miền núi cho đến đồng bằng, hải đảo, người góp của, người góp công, toàn dân đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng diện mạo nông thôn mới trong tỉnh ngày càng văn minh, hiện đại. Đây là những việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện ý Đảng hợp với lòng Dân.

Phong trào thi đua thực hiện chỉ tiêu thi đua phát triển văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần làm cho công tác giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực; các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính sách xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực, mỗi năm giải quyết việc làm khoảng 36.500 lao động, hộ nghèo giảm từ 75.034 hộ năm 2010 còn 26.538 hộ vào cuối năm 2015, trung bình giảm 2,23%/năm.

Trong 5 năm, xây dựng 6.172 nhà, sửa chữa 1.213 nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, với tổng kinh phí 213,396 tỷ đồng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được cả xã hội quan tâm, huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội; tiêu biểu với các phong trào thi đua điển hình: “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động”, “Giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách an sinh xã hội”, “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, “Bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, “Đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội”.
 

Liên tục trong hai năm 2012, 2013, Nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, trong năm 2014, Nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các lực lượng vũ trang tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào “Thi đua Quyết thắng”; phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” gắn với thực hiện “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào thi đua xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh với các hoạt động như: Cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Từ đó, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được nâng lên, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Riêng năm 2014, chỉ số PAPI của Quảng Ngãi đứng thứ 7 trên cả nước.   

Trong công tác xây dựng Đảng, phong trào thi đua gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ được giữ vững và phát huy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân.  

Nhìn chung, phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh được triển khai thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, góp phần tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Đó là chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với công tác thi đua, khen thưởng có lúc chưa kịp thời, chưa đúng mức. Hoạt động thi đua, khen thưởng ở một số đơn vị còn mang tính chiếu lệ, nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa sát với thực tiễn cũng như chưa gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Công tác tuyên truyền nêu gương các điển hình chưa được thường xuyên, chỉ mới chú trọng những đợt thi đua lớn nên độ lan tỏa các điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao. Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và xây dựng điển hình tiên tiến chưa được coi trọng, động viên khuyến khích chưa kịp thời. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở cơ sở chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo yêu cầu đổi mới.  

Trong giai đoạn 2015-2020, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể vững mạnh, tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân; xây dựng nền tảng để sớm đưa tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.  

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đề ra, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cần phải chú trọng những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; gắn phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường hơn nữa nhận thức, vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các hội, đoàn thể để đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và hiệu quả trong toàn xã hội.

Thứ hai, phát động phong trào thi đua phải gắn liền với thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh, đó là phát triển công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nhất là nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời gắn với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, ưu tiên ở 6 huyện miền núi; phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Thứ ba, quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến một cách toàn diện. Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá các mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, đảm bảo dân chủ, công khai, khen thưởng đúng người, đúng thành tích, khen có trọng tâm, trọng điểm gắn với hiệu quả các phong trào thi đua. Tạo động lực mạnh mẽ cổ vũ phong trào thi đua, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ tư, phát huy vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy và con người làm công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn, nâng cao năng lực, phẩm chất, không ngừng nghiên cứu, tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tham mưu tốt hơn về công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ năm, tiếp tục nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới phù hợp với sự phát triển của xã hội, tập trung thực hiện tốt khẩu hiệu hành động: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Xây dựng nền tảng để sớm đưa tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, gắn phong trào thi đua yêu nước với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
    
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, “Thi đua là yêu nước”. Thời gian tới, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bên cạnh thời cơ, thuận lợi chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Tin rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, quân và Nhân dân trong toàn tỉnh, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật để góp phần sớm đưa Quảng Ngãi  trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại./.


 


.