Nâng cao đạo đức công vụ

04:06, 08/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cán bộ công chức (CBCC) chính là cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân. Xác định được vai trò đó, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng đạo đức công vụ. Ngoài năng lực chuyên môn, CBCC phải thực sự là những người có tư cách đạo đức tốt, thực hiện tốt trách nhiệm của mình, giữ thái độ chân thành, khiêm tốn nhằm mang lại sự hài lòng, tin tưởng trong nhân dân.

Gần để nghe và giúp dân

Xã Long Hiệp (Minh Long) có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê.  Đa số người dân ít quan tâm đến các thủ tục hành chính (TTHC) như làm giấy khai sinh, giấy chứng nhận QSDĐ (hay còn gọi là sổ đỏ), giấy đăng ký kết hôn... Mặt khác, do khả năng tiếng Việt còn hạn chế nên khi đi làm các TTHC gặp rất nhiều trở ngại. Từ thực tế đó,  những năm qua, xã Long Hiệp đã thành lập Đội dân vận, gồm các cán bộ ở nhiều lĩnh vực như: Tư pháp, Địa chính, Công an, Phụ nữ, Thanh niên... đến từng KDC, từng nhà để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn bà con cách làm giấy tờ, TTHC. Đều đặn mỗi tháng, đội tổ chức triển khai, tuyên truyền các chính sách mới, các chính sách dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Đất đai… để người dân nắm rõ. Nhờ thế mà họ hiểu được trách nhiệm, quyền lợi của mình, hạn chế tình trạng khiếu kiện, tranh chấp.

Cán bộ xã Long Hiệp hướng dẫn tận tình cho người dân làm các thủ tục hành chính.
Cán bộ xã Long Hiệp hướng dẫn tận tình cho người dân làm các thủ tục hành chính.


Chị Lâm Thị Kim Chi – Cán bộ Văn phòng UBND xã, cho biết: Nhờ tích cực tuyên truyền mà bà con đã biết tự giác và ý thức hơn trong việc làm các TTHC, như khi sinh con thì phải đến xã làm giấy khai sinh, đến tuổi thì làm chứng minh nhân dân, đất đai thì làm hồ sơ, sổ đỏ...   Song, cái khó đối với người dân trong khi làm các TTHC là hạn chế về khả năng tiếng Việt. “Để khắc phục điều này, chúng tôi không những phải học tiếng của họ mà còn phải gần gũi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để giúp họ viết lại cho đúng”, chị Chi nói.

Điều đó cho thấy, đối với các địa phương ở miền núi- nơi có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống thì việc giải quyết, hướng dẫn các TTHC cho người dân là rất khó khăn. Ông Đinh Gôm ở thôn Dục Ái, xã Long Hiệp đến UBND xã làm hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho biết: Mình là người đồng bào nên khi làm các hồ sơ, giấy tờ này đều phải nhờ cán bộ giải đáp, hướng dẫn cụ thể, nên không phải mất nhiều thời gian.  

Ngày làm việc thứ 7

Là địa bàn tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, nên xã Bình Trị (Bình Sơn) có nhiều người đến cư trú để làm việc và sinh sống. Chính vì thế mà khối  lượng công việc giải quyết các TTHC cho người dân luôn ở mức cao. Do đó, từ năm 2013, xã đã thực hiện “ngày làm việc thứ 7”, nhằm giải quyết các công việc còn ứ đọng, phát sinh trong tuần. Ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Trị, cho biết: “Hơn 2 năm nay, CBCC ở xã đã quen với lịch làm việc ngày thứ 7.  Dù có đôi chút khó khăn cho cán bộ nữ có con nhỏ, vì nhà trẻ không giữ trẻ vào thứ 7, nhưng vì lợi ích của nhân dân nên các chị em vẫn vui vẻ thu xếp việc gia đình để đến công sở?.

Được biết, hằng tháng, Đảng ủy xã đều chọn chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để đưa vào sinh hoạt chi bộ, luôn nhắc nhở CBCC  làm đúng trách nhiệm của mình. Để việc làm đó có hiệu quả, lãnh đạo chủ chốt luôn nêu gương “nói đi đôi với làm”, kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt. Đảng ủy xã quán triệt, khi người dân đến xã làm việc, dù là đến giờ trưa hay cuối giờ chiều cũng phải nhiệt tình hướng dẫn, sẵn sàng làm việc qua giờ để giải quyết xong các TTHC cho người dân.

Chính nhờ nêu cao tinh thần trách nhiệm mà các TTHC của người dân đều được giải quyết đúng thời gian quy định, không có tình trạng ứ đọng, gây phiền hà cho nhân dân. Xã cũng cho công khai niêm yết, treo biểu mẫu, lịch giải quyết công việc, phí, lệ phí làm thủ tục ở phòng một cửa, nơi ra vào trước trụ sở UBND xã. Ngoài ra, lịch tiếp công dân của lãnh đạo xã cũng được công khai, khi có việc gì thắc mắc, cần sự trả lời trực tiếp của lãnh đạo, người dân đều có thể lên gặp trực tiếp.

Đối với CBCC trong bộ máy hành chính, việc học và làm theo Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, tính trung thực, gần dân, sát dân và lắng nghe dân là hết sức cần thiết. Có như thế mới tạo được niềm tin trong nhân dân.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.