Kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 - 11.3.2015):
Ngời sáng Ba Tơ- Kỳ 3:Soi sáng muôn đời sau

01:03, 09/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dòng chảy của thời gian 70 năm qua chẳng thể làm phai mờ cái đêm Ba Tơ xóa tan gông cùm nô lệ. Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích Ba Tơ vẫn muôn đời soi sáng, sống mãi với lịch sử của dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Suốt hành trình tìm gặp các đồng chí là thành viên Đội du kích Ba Tơ, về lại những nơi in đậm bước chân của cán bộ, chiến sĩ đội du kích, từ núi Cao Muôn, Hang Én, Bến Buông… đến những bản làng xa xôi, ở đâu chúng tôi cũng đều bắt gặp nhiều cảm xúc thiêng liêng, niềm tự hào khó diễn tả thành lời của bao thế hệ trên đất Ba Tơ anh hùng.

Đuốc sáng soi đường    

Theo dấu chân Đội du kích Ba Tơ, quân và dân Quảng Ngãi đã anh dũng đấu tranh quét sạch bóng quân thù, giải phóng quê hương, góp phần thống nhất đất nước. Cụ Phạm Đức Trinh (ở xã Ba Chùa, huyện Ba Tơ)  - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Ba Tơ (1970 - 1972), cách đây 70 năm, ông đã hòa vào dòng người kéo về sân vận động để nghe chỉ huy Đội du kích Ba Tơ diễn thuyết. Khi đó, ông vừa tròn 25 tuổi. Cái tên Phạm Đức Trinh là tên gọi sau này cách mạng đặt cho, còn ngày ấy tên thật của ông là Đinh Nhía. Ông kể: “Nhìn thấy chỉ huy Đội du kích Ba Tơ khuôn mặt cương nghị, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi đồng bào Kinh-Thượng đoàn kết đánh giặc, trong lòng vui sướng vô hạn. Sau này mới biết đó là anh Kiệt, anh Đôn”. Theo sự mách bảo của trái tim, chàng trai người dân tộc Hrê Đinh Nhía hòa giọng cùng với đồng bào: “Đánh đổ phát xít Nhật! Tẩy sạch thực dân Pháp ở Đông Dương, ủng hộ Mặt trận Việt Minh”.

Cụ Phạm Đức Trinh kể về những ngày đầu theo cách mạng.
Cụ Phạm Đức Trinh kể về những ngày đầu theo cách mạng.



Sau ngày Khởi nghĩa Ba Tơ, bên dòng suối Lệ Trinh hiền hòa, chàng trai Đinh Nhía thầm ước có một ngày cầm súng đánh đuổi quân xâm lược. Mong ước ấy đã thành sự thật khi cán bộ về làng dạy chữ, tuyên truyền chân lý cách mạng, thế là Đinh Nhía đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó xin trở về miền Nam chiến đấu. Ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng từ trong kháng chiến cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Ông trải lòng cùng chúng tôi: “Đội du kích Ba Tơ đã khơi dậy trong tôi tình yêu cách mạng, một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Hình ảnh hào hùng của các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách... trong ngày khởi nghĩa Ba Tơ tôi không sao quên được”.

Trò chuyện với người chỉ huy Đội du kích Ba Tơ năm xưa- tướng Nguyễn Đôn, chúng tôi vô cùng xúc động khi được biết, 4 người con trai của ông đều noi gương cha cầm súng chiến đấu. Các con của Trung tướng Phạm Kiệt cũng thế, tất cả đều xung phong ra mặt trận và lập nhiều chiến công xuất sắc. Đồng chí Phạm Đức Hùng, con trai trưởng tướng Phạm Kiệt được mọi người biết đến với biệt danh: “Người bắn tên lửa SAM-2 không trật quả nào. Một quả tên lửa tiêu diệt một máy bay Mỹ”.

Dấu chân của những chiến sĩ cách mạng noi theo Đội Du kích Ba Tơ, theo tướng Kiệt, tướng Đôn… in dấu trên khắp các chiến trường của đất nước. Ông Phạm Ngọc Quý (63 tuổi, ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh), cháu họ của tướng Phạm Kiệt, bộc bạch: “Biết được cha ông mình đã lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, khiến cháu con ai cũng tự hào, noi gương cống hiến cho cách mạng và cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Từ lúc 14 tuổi tôi đã tham gia du kích địa phương”. Từ ngọn đuốc soi đường của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, quê hương Quảng Ngãi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, đồng bào, đồng chí reo ca khúc khải hoàn, lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Vững tin vào tương lai      

Trong không khí của những ngày tháng ba quật khởi, rảo bước trên vùng đất Ba Tơ, trước mắt chúng tôi luôn hiện hữu ngọn đuốc bừng sáng của ngày khởi nghĩa oai hùng. Đó chính là ngọn đuốc cách mạng của Đảng, đuốc sáng của lòng dân đi theo tiếng gọi của Đảng. Đồng bào Kinh-Thượng đã đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương Ba Tơ ngày một giàu đẹp. Để giáo dục chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ.  

 Từ năm 1985, tượng đài kỷ niệm và Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng ngay cạnh sân vận động và đồn Ba Tơ năm xưa. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ. Nhà đồng chí Trần Quý Hai, nơi diễn ra cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng quyết định khởi nghĩa cướp đồn Ba Tơ, cũng được phục dựng. Tháng 8.2014, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, xây dựng lại bia lưu niệm và khuôn viên nơi thành lập Đội du kích Ba Tơ (nơi có Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ), với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” để các tầng lớp nhân dân đến tham quan và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của cha ông.

Thế hệ trẻ tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.        Ảnh: Đức Phong
Thế hệ trẻ tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Đức Phong


Mỗi năm có trên 2.000 lượt khách tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, trong đó có khoảng 400 khách nước ngoài. Sau khi nghe thuyết minh tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, em Phạm Văn Thanh (học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú Ba Tơ) xúc động nói: “Em rất cảm phục bản lĩnh và trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ Đội du kích Ba Tơ. Em sẽ nỗ lực học tập, mai này góp sức xây dựng quê hương, để xứng đáng với truyền thống của cha ông”.

Việc Quảng Ngãi xây dựng ngôi trường THPT mang tên tướng Phạm Kiệt ở huyện Ba Tơ và xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) cũng là cách để giáo dục con cháu sống mãi niềm tin từ một quá khứ hào hùng. Ở thị trấn Ba Tơ ngày nay có nhiều tuyến đường mang tên các đồng chí là lãnh đạo, đội viên du kích Ba Tơ như: Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Trần Lương… Từ ngọn đuốc cách mạng của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã mở ra con đường tiến lên thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đồng chí Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ cho biết: “Việc đặt tên các tuyến đường ở thị trấn Ba Tơ mang tên lãnh đạo và đội viên Đội du kích Ba Tơ nhằm tôn vinh và khắc ghi công lao to lớn của những người con Quảng Ngãi kiên trung, tài giỏi. Mỗi tên đường, tên trường sẽ góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước. Đó cũng là niềm tự hào của quân và dân Ba Tơ hôm nay và mãi về sau".

 

P.LÝ - N.TRIỀU -  X.THIÊN

 


.