Kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 - 11.3.2015):
Ngời sáng Ba Tơ- Kỳ 2: Lời thề dưới tán rừng

03:03, 08/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11.3.1945 thành công, Ban lãnh đạo khởi nghĩa quyết định thành lập Đội du kích Ba Tơ, lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở Nam Trung Bộ. Ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đội quân du kích vững chãi như ngọn núi Cao Muôn, tuôn trào như con suối, con sông giữa núi rừng Ba Tơ không bao giờ cạn.
 
Sau ngày Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, đồng bào Kinh-Thượng lòng vui như mở hội. Bà con tìm đến nắm lấy tay của cán bộ, chiến sĩ Đội du kích tỏ lòng cảm kích trước những hành động quả cảm, vì ước nguyện dân tộc được độc lập, tự do từ bao đời nay đã thành hiện thực...  

Lời thề son sắt

Trong số 17 đồng chí trực tiếp đánh chiếm đồn Ba Tơ cách đây 70 năm, cùng với tướng Nguyễn Đôn có đại tá Phạm Hương (tức Xuân) hiện còn sống. Đại tá Hương hiện ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), năm ấy là một thanh niên mới 25 tuổi, nhưng ông luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng. Với ông, những tháng ngày vinh quang trong đội quân du kích vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm. Ông cười khà, bảo rằng: “Chẳng thể diễn tả hết niềm vui ngày Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi. Anh em trong đội hễ gặp nhau là giơ tay tuyên thệ: Hy sinh vì Tổ quốc”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội du kích Ba Tơ, tình yêu đối với quê hương, đất nước như hòa trong huyết mạch. Ngày 14.3.1945, chỉ ba ngày sau khi khởi nghĩa thành công, Đội du kích Ba Tơ ngược dòng sông Liêng hướng về núi Cao Muôn để xây dựng căn cứ cách mạng. Ngọn núi Cao Muôn nay vẫn sừng sững, hiên ngang, chất chứa bao câu chuyện về Đội du kích Ba Tơ huyền thoại.
 

 

Di tích Hang Én, nơi Đội du kích Ba Tơ hô vang lời thề: “Hy sinh vì Tổ quốc”.                   Ảnh: X.T
Di tích Hang Én, nơi Đội du kích Ba Tơ hô vang lời thề: “Hy sinh vì Tổ quốc”. Ảnh: X.T


Trên đường hành quân, đến đêm khuya, đội dừng chân ở Hang Én và tổ chức lễ tuyên thệ. Ngọn đuốc của tình yêu Tổ quốc và lòng kiên trung, bất khuất của những chiến sĩ cộng sản rực sáng trong màn đêm giữa núi rừng Ba Tơ hùng vĩ. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, toàn đội đứng nghiêm dưới cờ, lần lượt từng đồng chí dõng dạc: “Xin thề hy sinh vì Tổ quốc”.

 

"Cán bộ chiến sĩ du kích Ba Tơ với phẩm chất chính trị cao, tài năng tổ chức và hành động giỏi, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chỉ huy tác chiến ở hầu hết các mặt trận miền Nam Trung Bộ từ những ngày Cách mạng Tháng Tám cho đến suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Cán bộ và chiến sĩ du kích Ba Tơ đã chiến đấu với tinh thần hy sinh vì Tổ quốc để chúng ta có được ngày nay…"
     Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lời tuyên thệ ấy đã trở nên bất tử, theo từng bước chân người lính. Trời vừa sáng, từ đồng bằng, đồng chí Trần Lương đã lên gặp đội để phổ biến chủ trương của tỉnh. Sau khi bàn bạc, trao đổi, đội quân đến Bến Buông thẳng tiến về hướng núi Cao Muôn hùng vĩ. Càng đi sâu vào rừng càng gặp muôn vàn khó khăn. Quân Nhật lùng vây ráo riết, kiểm soát chặt các đầu mối giao thông, tiếp tế. Đội chỉ hoạt động lẩn khuất trong rừng núi, hiểm nguy, gian khó chồng chất. Đồng chí Phạm Hương nhớ lại: “Thiếu ăn, thiếu nước, thiếu muối… Có lần phải giết thịt con ngựa, anh em ai cũng ứa nước mắt. Nhưng nhờ có tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nên vẫn giữ được lực lượng”.   


Từ trong núi rừng, Đội du kích Ba Tơ được đồng bào các dân tộc Ba Tơ che chở, giúp đỡ. Thế nên suốt 70 năm qua, cũng như tướng Đôn, đại tá Phạm Hương vẫn luôn gìn giữ tình cảm sâu đậm mà đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ dành cho ông và đồng đội. Đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào; đó là tấm lòng của mẹ Thía đã  đem đến cho anh em rổ khoai do mẹ đi mót về, trong khi bếp nhà mẹ “đã lạnh” lâu ngày. Anh em một mực từ chối, nhưng mẹ vẫn nài nỉ đến mức như trách móc, giận hờn nên đội phải nhận. Hay như già Run, dù bị địch cứa cổ đến chảy máu để buộc già khai tung tích của Đội du kích Ba Tơ, nhưng già vẫn dõng dạc: “Tao già rồi, tao chết cũng được. Nhưng tao chết đi, con cháu tao sẽ nổi lên làm loạn thì bọn bây chịu lấy. Ở đây không có du kích, không có cộng sản”.  

Đội du kích Ba Tơ sống hòa mình với đồng bào, tôn trọng phong tục, tập quán của người Hrê. Thế mới có câu chuyện, Đội du kích Ba Tơ và đồng bào cùng nhau làm lễ ăn thề theo phong tục “cúng trời, cúng đất”, cùng nhau “đánh Nhật, đuổi Tây”, nếu ai làm sai lời thề sẽ bị cách mạng, nhân dân và “Giàng” xử phạt. Dưới tán rừng ở Nước Sung (nay là xã Ba Vinh, Ba Tơ), hàng trăm đồng bào, có cả già làng và tù trưởng cùng với Đội du kích cắt máu hòa chung vào rượu uống thề.

Phất cờ tổng khởi nghĩa

 Đại tá Phạm Hương.
Đại tá Phạm Hương.
Mặc dù tình đoàn kết giữa Đội du kích và đồng bào các dân tộc ở núi rừng Ba Tơ rất đỗi khắng khít, nhưng do khí hậu khắc nghiệt, cộng với sự tiếp tế lương thực hết sức khó khăn nên việc hoạt động gặp nhiều bất lợi. Theo tư liệu lịch sử để lại, đồng chí Nguyễn Chánh, lúc này là chính trị viên của Đội, đã đặt ra câu hỏi: “Bao giờ đội du kích chúng ta mới về đồng bằng?”. Đồng chí phân tích: “Lâu nay chúng ta quen có khái niệm căn cứ địa phải ở rừng núi, nhưng bây giờ, chúng ta phải nhớ rằng, có một nơi vô cùng rộng lớn, vô cùng kín đáo, có thể che chở và đùm bọc cho ta - đó là lòng dân”. Sau Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (tháng 4.1945), Đội du kích Ba Tơ tiến về đồng bằng.  

Nhắc đến chặng đường hành quân năm xưa, đại tá Hương ngâm nga: “Du kích Ba Tơ qua làng/Thổi bùng thôn xóm làng quật khởi…”. Ông bảo câu thơ được trích từ bài trường ca: “Một thuở dậy đất trời” của nhà thơ Phong Đăng mà ông thích nhất. Ngày ấy, đi đến đâu Đội du kích Ba Tơ cũng được đồng bào đùm bọc, chở che. Đội được chia làm hai, bổ sung thành hai đại đội đứng chân ở hai nơi. Đại đội Phan Đình Phùng ở phía bắc tỉnh, Đại đội Hoàng Hoa Thám phía nam tỉnh, chiếm cứ vùng rừng núi giáp ranh đồng bằng. Lực lượng từ 28 đồng chí đã nhanh chóng phát triển thành một tổ chức tập trung lớn với hơn 2.000 người, chưa kể lực lượng dự bị hùng hậu của Đội gồm du kích, tự vệ bán vũ trang với hàng vạn người ở khắp các xóm làng.

Ngày 14.8.1945, nhận được tin báo Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Không thụ động chờ lệnh của Ủy ban toàn quốc, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chớp thời cơ phát động ngay tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Đội Du kích Ba Tơ lập tức chia làm nhiều mũi tiến công, kết hợp ngoại công nội ứng và công tác binh vận đã xóa bỏ hệ thống chính quyền của địch, góp phần viết nên trang sử vẻ vang trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

 
P.LÝ - N.TRIỀU - X.THIÊN
 
 
*Kỳ 3:  Soi sáng muôn đời sau



 

.