Khai mạc phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

08:12, 22/12/2014
.

Sáng 22/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 33; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Có ý kiến cho rằng, cần xem xét lại sự cần thiết ban hành Pháp lệnh này, vì các luật tố tụng đang trong quá trình được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân sẽ được quy định trong các luật tố tụng. Việc xử phạt sẽ căn cứ vào quy định của các luật tố tụng và Luật xử lý vi phạm hành chính.

 

 Khai mạc phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
Khai mạc phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.


Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự tuy có quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án nhân dân (TAND) nhưng lại không quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của TAND, cũng như về thủ tục xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm, thủ tục thi hành quyết định xử phạt. Nên thực tiễn cho thấy, kể từ ngày Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực (ngày 01/01/2005) đến nay, các Tòa án nhân dân hầu như không xử phạt được trường hợp vi phạm nào.

Thêm nữa, các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính mới chỉ quy định có tính nguyên tắc chung nhất, nếu không có văn bản pháp luật cụ thể hóa thì không thể thi hành được. Mặt khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định về thẩm quyền của TAND xử phạt vi phạm hành chính cùng với mức tiền phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nhưng lại không quy định cụ thể hành vi vi phạm nào được coi là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Đây là khoảng trống về mặt luật pháp. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc UBTVQH ban hành Pháp lệnh này là cần thiết để bảo đảm thi hành các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Có ý kiến cho rằng, Pháp lệnh này cần quy định cả việc xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm. Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp giải trình, Pháp lệnh này phải phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định của các luật tố tụng và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Pháp lệnh này cụ thể hóa các quy định của các luật tố tụng về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, dân sự của TAND đã được quy định cụ thể tại các điều 9, 10, 11, 12 và 13 của dự thảo Pháp lệnh.

Các hành vi vi phạm khác, tuy có cản trở hoạt động tố tụng của TAND cũng như hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên nhưng không được quy định trong các luật tố tụng, thì cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này.

Cũng qua thảo luận sáng nay, các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất, chưa thông qua Pháp lệnh vì cho rằng, còn một số quy định chưa phù hợp, trong đó, quy định cụ thể các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND.

Dự thảo Pháp lệnh quy định: “Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự đưa tin về phiên tòa” là vi phạm nội quy phiên tòa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quy định này không chặt chẽ, dễ gây ra cách hiểu là, bất kì ai xuất trình thẻ nhà báo đều có thể vào tham dự phiên tòa.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, đối với các hành vi của những người tham dự phiên tòa, nếu coi là cản trở tòa án thì cần phải quy định rõ về hành vi, chế tài, trình tự, thủ tục xử phạt. Nếu quy định chung chung như dự thảo Pháp lệnh thì rất khó thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cần rà soát lại các quy định của dự thảo Pháp lệnh cho phù hợp với các luật có liên quan.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước yêu cầu, hành vi lừa đảo, gian dối khai báo hoặc tạo ra những người khai báo giả cho cơ quan tòa án khi xử vụ án dân sự thì không nên đưa vào hành vi sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu cố tình tạo chứng cứ giả là lừa đảo mọi người, lôi kéo người khác tham gia vào việc đưa ra chứng cứ giả để tòa án phán quyết sai, như vậy rất nguy hiểm.

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 22-23/12. Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn của một số dự án Luật gồm: Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); cho ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân và Dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Xem xét thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 8, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

Theo Mỹ Anh Báo Điện tử ĐCSVN

 


.