"Giữ cái gốc văn hóa"

10:11, 10/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Người cho rằng: Văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa một đất nước. Phải biết nâng niu, quý trọng văn hóa dân tộc, mới có khả năng khai thác và phát triển nó lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như: Dân ca, âm nhạc, đến hội họa, thơ ca cổ điển… Người đã từng khuyên chúng ta phải biết kế thừa, phát triển di sản quý báu ấy. Người nói xóa bỏ triệt để những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt, phải triệt để làm những cái mới và hay, phải giữ gìn thuần phong, mỹ tục, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại…”.

 


Thấm nhuần lời dạy của Bác “giữ cái gốc văn hóa mới là dân tộc”, 45 năm qua, đồng bào Cor mang họ Bác Hồ ở huyện miền núi Trà Bồng vẫn giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào mình. Thế hệ đi trước dẫn đường, người trẻ đi sau tiếp “lửa”. Nhờ thế mà giữa nhịp sống đương đại hối hả, tiếng cồng chiêng nhịp nhàng vẫn đều đặn vang lên trong các lễ hội, bởi những người Cor luôn hướng lòng về với những giá trị muôn đời của cha ông. Toàn huyện Trà Bồng có đến 815 người biết đánh chiêng, 179 người đánh chiêng giỏi, 69 người biết chỉnh chiêng, đặc biệt ở thôn 2 (xã Trà Thủy) có 96 hộ dân thì đã có hơn 60 hộ gia đình còn lưu giữ lại bộ chiêng truyền thống.

Sau những ngày mùa và vào những dịp lễ hội của dân tộc mình, những người già trong gia đình lại tập cho con cháu cách cầm dùi, gõ chiêng. Ngoài việc mỗi hộ gia đình tự tập cho con cháu tại nhà, các già làng thôn 2 còn tập hợp con trẻ đến nhà sinh hoạt thôn để cùng tề tựu học đánh chiêng. “Bọn trẻ bây giờ tiếp cận được với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau nên nhiều khi lơ là điệu cồng chiêng truyền thống. Vì vậy, điều quan trọng nhất không phải là hướng dẫn cho các cháu cách thức đánh chiêng, gõ trống mà là phải làm cho các cháu say mê và hòa được hồn mình vào mỗi nhịp trống, chiêng”, già làng Hồ Văn Hoàng cho biết.

Gia đình già làng Hồ Văn Hoàng có đến 4 thế hệ chơi thành thục các nhạc cụ của dân tộc Cor, đặc biệt các con, cháu của già Hoàng và một số nghệ nhân trong thôn tham gia rất nhiều các cuộc thi, trình diễn đánh chiêng trong và ngoài nước. Anh Hồ Văn Biên (xã Trà Sơn), kể: Ngay từ nhỏ đã được xem các cụ, các anh chị thanh niên đánh chiêng, múa Cà Đáo, hát Xà Ru, A Giới trong những dịp sinh hoạt, lễ hội nên rất say mê. Tiếng chiêng âm vang, hòa quyện với không gian hoang dã của núi rừng tạo thành một âm hưởng hùng tráng, đầy sức sống đi vào lòng người, thôi thúc mỗi người dân thêm lạc quan, yêu đời,  tập trung lao động sản xuất.  

Được sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng quật khởi, những người con cháu như anh Biên ở xã Trà Sơn cảm thấy vô cùng tự hào. Và niềm tự hào lớn nhất của anh là được mang họ Bác Hồ. Được sự đồng ý của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Biên đã lên kế hoạch vận động và tự nguyện làm người hướng dẫn thanh niên học đấu chiêng. Sau giờ làm việc cuối ngày, người ta thường thấy anh Biên vai vác chiêng, chân len lỏi băng rừng vượt suối đến từng nhà nói chuyện, động viên  lớp trẻ trong làng ra lớp học đấu chiêng.

Đến nay, anh đã dạy được 20 lớp học đấu chiêng ở 7 xã miền núi trong huyện với trên 100 người theo học. Đây là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo không mệt mỏi của nghệ nhân Hồ Văn Biên trong việc giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tuy chưa một lần gặp Bác, nhưng qua lời kể của các già làng, những lão thành cách mạng, anh Biên càng kính trọng vị cha già của dân tộc. Người không chỉ tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ, mà Người còn có cái nhìn sâu sắc trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa. “Hiện nay, số người hiểu về chiêng người Cor đang ngày càng ít đi, nên thôi thúc tôi phải truyền đạt lại cho con em những gì mình biết để giữ được nét đẹp văn hóa này. Đây cũng là cách học và làm theo Bác”, anh Biên tâm sự.

Cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc gắn liền với đời sống văn hóa-xã hội của các dân tộc nằm trên dãy Trường Sơn-Tây Nguyên, trong đó có người Cor Trà Bồng. Tiếng chiêng tự bao giờ đã gắn bó máu thịt với người Cor từ khi họ sinh ra đến lúc về với tổ tiên. Trong kháng chiến tiếng chiêng thúc giục đồng bào Cor đứng lên chống kẻ thù xâm lược và giờ đây, cũng tiếng chiêng ấy lại động viên người Cor xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.

Đồng chí Hồ Văn Thịnh- Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: Địa phương chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đó theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) và đã có Đề án phát triển văn hóa, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện luôn chú trọng phát huy những nhân tố điển hình, như gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hoàng, Hồ Văn Biên để giữ gìn, truyền dạy lại nét văn hóa cho thế hệ sau.

THANH THUẬN
 


.