Tiến tới Đại hội Đảng các cấp: Chú trọng đổi mới, phát huy dân chủ

08:09, 29/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 9.6.2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 244-QĐ/TƯ về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Quy chế lần này có nhiều điểm mới so với quy chế bầu cử trong Đảng mà Bộ Chính trị ban hành trước  đây, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Điểm mới trong Quy chế lần này là phạm vi điều chỉnh từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Khi tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cũng được thực hiện theo quy chế này. Như vậy, thẩm quyền ban hành và phạm vi điều chỉnh của quy chế mới cao và rộng hơn quy chế trước đây.

Điều 13 (bổ sung mới) của quy chế, nêu: Khi bầu cử Ban chấp hành và Ban Thường vụ khóa mới (Đại hội Đảng toàn quốc là bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư), cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy. Ở các hội nghị của Ban chấp hành, ủy viên thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Ban thường vụ…Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm và vai trò của cấp uỷ trong chuẩn bị nhân sự, bảo đảm việc bầu cử minh bạch, công khai.

Điều 16 quy định, danh sách ứng cử viên do cấp ủy cấp triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội (hội nghị). Đây là bước phát triển mới về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị nhân sự cấp ủy và Ban thường vụ phải có số dư từ 10-15% so với số lượng cần bầu. Số dư tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu.

Như vậy, danh sách bầu cử cấp ủy bao gồm: Danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử và những người ứng cử, được đề cử tại đại hội. Nếu danh sách bầu cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội về những người ứng cử, đề cử tại đại hội và lấy theo số phiếu đồng ý từ cao xuống thấp cho đến khi còn dư 30%. Danh sách đề cử của cấp ủy với đại hội được giữ nguyên, không phải xin ý kiến đại hội. Để tạo điều kiện cho đại biểu có sự lựa chọn chính xác, Điều 18 quy định: Từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên, trước khi bỏ phiếu chính thức, Đoàn chủ tịch Đại hội cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên (xếp thứ tự như danh sách bầu cử) để đại biểu nghiên cứu trước…

Theo kế hoạch, Ðại hội lần thứ XII của Ðảng sẽ tiến hành vào quý I/2016; Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở bắt đầu từ tháng 4.2015. Ðây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XII của Ðảng phải được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ cương của Ðảng. Việc phát huy dân chủ phải thể hiện đầy đủ trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, từ xây dựng các văn kiện trình đại hội đến công tác nhân sự. Công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 phải thực hiện trên cơ sở quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương, ngành, lĩnh vực nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Minh, cho rằng: Bầu cấp ủy mới là một phần quan trọng của đại hội. Người tham gia cấp ủy phải thật sự là “công bộc, đầy tớ” của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thông tin, tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý đề cử, tiến cử người lãnh đạo trực tiếp của mình, lấy đó làm kênh thông tin quan trọng trong việc chuẩn bị nhân sự. Đại hội Đảng cấp cơ sở phải làm sao truyền đến mỗi người dân một cảm hứng mới, sự tin tưởng, phấn khởi để cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

 

Thanh Thuận
 


.