Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Ba Tơ lần thứ II:
Đoàn kết các dân tộc, xây dựng quê hương giàu đẹp

09:09, 25/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Ba Tơ ngày càng khởi sắc. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đã đoàn kết một lòng theo Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua (2009 - 2014), đồng bào các DTTS huyện Ba Tơ có quyền tự hào với những kết quả kinh tế- xã hội mà huyện  nhà đạt được. Đến với Ba Tơ hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng của huyện vùng cao Anh hùng này. Đây là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển và đời sống cho đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có bước chuyển biến đáng kể, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị từng bước được củng cố. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được đầu tư hiệu quả trong thời gian qua đã đem lại niềm tin trong đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.

 

Một góc thị trấn Ba Tơ hôm nay.
Một góc thị trấn Ba Tơ hôm nay.


Ông Đinh Tấn Lạc - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Tơ, cho biết: Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi như Chương trình 134, 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ vùng ATK, chính sách hỗ trợ huyện nghèo… đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS ở Ba Tơ. Các địa phương đã triển khai 61 mô hình khuyến nông, chuyển đổi, luân canh cây trồng, vật nuôi, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Trong đó, mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp được áp dụng đối với vùng có đất rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, các loại giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều và có hiệu quả kinh tế. Một điều đáng mừng là, trong chăn nuôi, bà con chuyển dần từ hình thức chăn thả truyền thống sang mô hình nuôi bán nhốt chuồng, nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, với quy mô lớn. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên làm giàu, như ông Phạm Văn Hoành (xã Ba Dinh) từ trồng mía, keo và chăn nuôi gia súc,… mỗi năm thu lãi trên 45 triệu đồng.
 

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ba Tơ đạt khá, bình quân hằng năm đạt 17,4%. Tổng sản lượng lương thực có hạt 25.500 tấn; lương thực bình quân đầu người 442 kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, đào tạo đạt 20,74%.

Để công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, trong 5 năm qua, huyện đã vận động và đưa 345 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Tơ giảm xuống 32,9%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 36,1% và bình quân mỗi năm giảm gần 6,2% hộ nghèo. Trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện quốc gia; 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 70%. Cơ sở hạ tầng của huyện được quan tâm đầu tư, hiện toàn huyện có 3/19 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy học cho con em người đồng bào DTTS. Toàn huyện có 3 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở vật chất và trang thiết bị từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, có 2 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được chú trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng thôn, xóm, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên...

Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ khẳng định: Có được kết quả trên là nhờ đồng bào DTTS trong huyện đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh. Đội ngũ già làng, người uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huyện đã thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi được huyện vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế địa phương.

Đó là, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để chỉ đạo phát triển KT-XH. Huyện cũng tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, gắn liền với kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh. Qua đó đã phát hiện những nhân tố mới, những sáng kiến, cách làm hay để khen thưởng động viên, nhân rộng; đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những hạn chế, thiếu sót, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Bài, ảnh: Bá Sơn


 


.