Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật từ 28/7-1/8

08:08, 02/08/2014
.

 


Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Ngăn chặn sản xuất kinh doanh tôm chứa tạp chất; Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước; Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả; Xử lý tiêu cực tại các trạm cân tải trọng xe... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/7-1/8/2014.


Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản


Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ  nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh nội đồng và vùng ven biển.


Ngăn chặn sản xuất kinh doanh tôm chứa tạp chất

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 trên phạm vi cả nước.

Thời điểm kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 được thực hiện tính đến hết ngày 31/12/2014.

Chỉ thị nêu rõ, việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 phải đánh giá được chính xác thực trạng sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước; làm cơ sở để đánh giá tình hình quản lý đất đai trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các cấp, nhất là việc lập, điều chỉnh, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2016 - 2020.


Ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Quy chế trên yêu cầu tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thời hạn cập nhật và tính chính xác, đầy đủ của các thông tin về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Cải thiện tình hình thực hiện các dự án ODA

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014 - 2015.

Kế hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng chiến lược, chính sách về ODA và vốn vay ưu đãi; Hoàn thiện khung khổ pháp lý và thể chế về ODA và vốn vay ưu đãi; Nâng cao chất lượng văn kiện chương trình, dự án và đảm bảo đúng tiến độ đàm phán, ký kết điều ước quốc tế; Tăng cường năng lực quản lý tổ chức thực hiện dự án; Nâng cao trách nhiệm của các cấp trong việc xử lý khó khăn, vướng mắc; tăng cường tính minh bạch, chống tham nhũng; Đẩy mạnh và tăng cường công tác giám sát và đánh giá.

Đẩy mạnh CCHC lĩnh vực Thuế, Hải quan

Tại Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần quyết liệt đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh góp phần phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế với các chỉ tiêu cụ thể để đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực.

Cùng với ngành Thuế, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Hải quan phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo thuận lợi và phục vụ tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần rà soát lại các thủ tục hành chính của Bộ Tài chính, các Bộ ngành liên quan và Tổng cục Hải quan ban hành thời gian qua để sửa đổi, bổ sung cắt giảm các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà, phức tạp đối với doanh nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2014 giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay và giảm số lượng giấy tờ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; công khai các chỉ số thông quan. Năm 2015, giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN-6.
 
Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn

Đề án “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2020 có 25% trường cao đẳng nghề, 45% trường trung cấp nghề và 30% trung tâm dạy nghề trong tổng số các cơ sở dạy nghề.

Các cơ sở dạy nghề có đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 500 nghìn người trong giai đoạn 2014 - 2020, trong đó: Cao đẳng nghề chiếm khoảng 5%; trung cấp nghề chiếm khoảng 20%; sơ cấp nghề chiếm khoảng 35%; dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 40%; phấn đấu 70% người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định.

Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Theo đó, Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm có 36 quyển.

Mục tiêu của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và chịu trách nhiệm trước Đảng và nhà nước về tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa phương nào chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lập ngay các kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn.

Tập trung triệt xóa các băng nhóm tội phạm

Tại Thông báo 306/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) yêu cầu từ nay đến hết năm 2014 và thời gian tiếp theo, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp chặn đứng sự gia tăng để kéo giảm tội phạm; xóa hết các băng nhóm tội phạm đang, đã phát hiện (615), làm ổn định tình hình ở 18 địa phương trọng điểm về tội phạm. Nâng cao tỷ lệ xử lý tin báo, tố giác tội phạm đạt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra (trên 90%). Không để xảy ra tình trạng oan sai, không hình sự hóa các vụ việc dân sự.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo thực hiện quyết liệt các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là đợt cao điểm trước, trong, sau Tết nguyên đán Ất Mùi (2015). Tăng cường đấu tranh, trấn áp, kiên quyết không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, tội phạm hoạt động lộng hành; tập trung rà soát, triệt xóa các băng ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu ”xã hội đen”, đâm thuê, chém mướn, chống người thi hành công vụ, tội phạm công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người.
Xử lý tiêu cực tại các trạm cân tải trọng xe

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các địa phương và các bộ ngành liên quan cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác kiểm soát tải trọng xe; ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với lực lượng tham gia thực thi công vụ; xử lý nghiêm các đối tượng "xã hội đen" thao túng, bảo kê hoạt động của xe quá tải, quá khổ.
 

Theo Phương Nhi (Chinhphu.vn)


.