Bước ngoặt to lớn, thắng lợi vẻ vang

06:07, 20/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp định Giơ - ne - vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20.7.1954 là một trong những thắng lợi vĩ đại của nền ngoại giao cũng như cách mạng nước ta. Từ đây đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ngoài các giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Hiệp định còn đánh dấu sự mở đầu cho quá trình sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên quy mô toàn cầu, góp phần cổ vũ công cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 27.3.1953, Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký kết, tiếp đến là chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội của quân và dân ta trước thực dân Pháp vào 7.5.1954, dẫn đến sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp đã thúc đẩy việc khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng.

Tại Hội nghị Giơ - ne - vơ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp.                                                                                                              Ảnh: Internet
Tại Hội nghị Giơ - ne - vơ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp. Ảnh: Internet


Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển nội bộ xã hội và nhân dân nước Pháp, tạo ra sự phân hóa trong chính giới Pháp. Đồng thời gia tăng thêm sự ủng hộ của nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, đầy chính nghĩa của nhân dân ta.

Tháng 3.1954, Chính phủ Việt Nam thành lập Đoàn đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương sau khi nhận lời mời của Liên Xô và Trung Quốc. Hội nghị Giơ-ne-vơ được tổ chức theo Quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin (tháng 2.1954) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương.

Thời gian Hội nghị trải qua 75 ngày, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn. Giai đoạn từ ngày 11 – 21.7.1954: Nối lại các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng, thời gian này diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các bên, các trưởng đoàn. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Pháp đàm phán rất căng thẳng, gay go về phân chia vĩ tuyến. Ngày 21.7.1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia kết thúc và thông qua các Văn kiện. Các văn bản được ký kết: 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; một bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; 2 bản tuyên bố riêng của Đoàn Mỹ và Pháp; các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendes France.

Những thỏa thuận đạt được bao gồm: Thỏa thuận chung cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, thỏa thuận riêng của mỗi nước; trong đó, các Hiệp định liên quan đến Việt Nam gồm 4 nội dung chính: Những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình là ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ...

Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam là lập giới tuyến quân sự tạm thời  ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải), vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới, cấm hai miền không được gia nhập Liên minh quân sự nào... Những điều khoản chính trị: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Hiệp thương hai miền vào tháng 7.1955, tổng tuyển cử vào tháng 7.1956... Những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định: Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập...

Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ là thắng lợi rất quan trọng và vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng, của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nguyên nhân hàng đầu quyết định thắng lợi là đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là quân đội và nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết, chiến đấu anh dũng suốt 9 năm mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Đông Dương mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, chủ yếu: Chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương; miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, trở thành hậu phương vững chắc cho nhân dân miền Nam tiến hành cách mạng dân tộc, tiến đến thống nhất đất nước.

Hiệp định là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở nước ta. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn xác định giới hạn Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia trong khuôn khổ một Hiệp định ngừng bắn đơn thuần, kiểu như Triều Tiên. Về mặt chính trị và pháp lý là cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia, là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hiệp định ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất là bước ngoặt của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất. Đồng thời xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại của một đế quốc hùng mạnh, đánh dấu sự mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc. Đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Hiệp định còn tạo nên cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh, đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1973).
 

Tuấn Anh
 


.