Ngày 13-3-1954 - Mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ:
Quyết định làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử

02:03, 13/03/2014
.

17h ngày 13-3-1954, sau nhiều ngày chuẩn bị, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được mở màn. Để có trận đánh mở màn ngoạn mục và làm nên chiến thắng tuyệt đối sau 56 ngày đêm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực vượt bậc, tập trung cao độ ý chí quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các lực lượng, đấu trí đấu lực quyết liệt với kẻ thù để có một phương án tác chiến phù hợp, tạo nên sức mạnh to lớn, đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh, đầu tháng 1-1954, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh". Về tổ chức chỉ huy, Bộ Chính trị cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy; các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang là Đảng ủy viên chiến dịch. Tuy không nhất trí với phương án: "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" mà cơ quan tham mưu đã chuẩn bị, nhưng chưa có đủ cơ sở để bác bỏ phương án này. Đại tướng đồng ý triệu tập cán bộ vào ngày 14-1 để phổ biến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Thời gian chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20-1.
 

Các thành viên Bộ Chỉ huy chiến dịch tiếp tục kiểm tra đôn đốc các đơn vị làm đường, kéo pháo, tìm hiểu địch và cho đến ngày 19, pháo vẫn chưa vào được vị trí nên Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn nổ súng đến ngày 25. Ngày 20, Cục Quân báo báo cáo lực lượng địch ở Điện Biên Phủ đã tăng lên 11 tiểu đoàn và tiếp tục tăng thêm một số vị trí, củng cố các cứ điểm... Sáng 23, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn báo cáo hướng tiến công của đại đoàn phải đột phá liên tục 3 phòng tuyến địch mới vào được trung tâm; Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt, phái viên theo dõi việc kéo pháo cho biết, pháo của ta bố trí trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc không quân địch đánh phá thì khó tránh khỏi tổn thất. Một số pháo vẫn chưa vào vị trí. Ngày 24, một chiến sĩ ta bị địch bắt, biết địch đã nắm được thời gian nổ súng của ta, Chỉ huy trưởng lại quyết định hoãn giờ nổ súng thêm 24 giờ, nghĩa là 17 giờ ngày 26-1.

Theo dõi tình hình địch ta, Chỉ huy trưởng nhận thấy rõ là không thể "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" được. Đêm 25, ông không sao chợp mắt. Sáng 26, trao đổi với một cán bộ cấp dưới, Đại tướng cho biết: "Qua 11 ngày đêm theo dõi tình hình, tôi thấy địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự nữa mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định. Có ba khó khăn lớn không thể vượt qua: Một là trong thời gian ngắn tiêu diệt cả chục tiểu đoàn địch phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm. Hai là bộ binh, pháo binh hiệp đồng quy mô lớn mới là lần đầu, chưa qua diễn tập. Ba là bộ đội lâu nay mới quen tác chiến đêm, nay phải chiến đấu liên tục trong 3 đêm 2 ngày với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo và xe tăng, trên địa hình trống trải, nhất là trên cánh đồng Mường Thanh khá rộng thì rất khó tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những khó khăn này ta chưa bàn kỹ cách giải quyết. Tóm lại, nếu đánh theo kế hoạch cũ là thất bại. Nghị quyết Trung ương Đảng hồi đầu năm 1953 nêu rõ: Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn"...

Trong cuộc họp Đảng ủy tổ chức ngay sau đó, Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ từ lâu về cách đánh tập đoàn cứ điểm, về ba khó khăn lớn ta không thể vượt qua, những thay đổi quan trọng về phía địch. Bí thư Đảng ủy nói: "Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh, có chắc thắng một trăm phần trăm không?". Đảng ủy đã thảo luận, cuối cùng nhất trí là trận đánh này có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục. Bí thư Đảng ủy kết luận: "Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "Đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm diệt địch từ "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc", nay quyết định hoãn cuộc tấn công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".

Sau cuộc họp, Đại tướng phân công tham mưu trưởng ra lệnh cho các đại đoàn bộ binh; trực tiếp điện thoại với Chính ủy Đại đoàn 351 Phạm Ngọc Mậu ra lệnh kéo pháo ra ngay, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại; ra lệnh cho Đại đoàn 308 tiến quân về hướng Luông Prabăng; đồng thời viết thư hỏa tốc báo cáo Bác và Bộ Chính trị. Ít ngày sau nhận được thư trả lời của Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ Chính trị và Bác Hồ nhất trí phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Về vấn đề này, Peter Mac Donal - một vị tướng kiêm sử gia người Anh cho rằng: Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng "những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử", nhưng sự thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" - một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ được coi là một quyết định to lớn và "khó khăn" nhất cuộc đời ông. Còn theo Đại tướng Lê Trọng Tấn: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Sau này, Trung tướng Phạm Hồng Cư nói: Tất cả các cựu chiến binh ngày nay đều đồng tình với ý kiến của Đại tướng Lê Trọng Tấn và ông cho biết: Đây là câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ.

Thực hiện phương châm "Đánh chắc, tiến chắc", ta chủ trương tiêu diệt 3 trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo và thời khắc lịch sử đã đến, 17h ngày 13-3-1954, Him Lam được chọn là mục tiêu mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 


Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu (Bộ Tổng Tham mưu)

Nguồn: Hà Nội mới


.