15 năm thực hiện NQ Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa

08:01, 16/01/2014
.

Sáng 15/1, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tới dự có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
 

Dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998-2013) cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 được tiến hành nghiêm túc trên quy mô cả nước. Vấn đề trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam, xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống được chú trọng. Việc xây dựng môi trường văn hóa, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, cả nước có 70,8 % gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Về phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, sản phẩm văn học nghệ thuật phát triển mạnh về số lượng; đa dạng, phong phú về đề tài với tiếng nói phản biện mạnh mẽ. Phong trào văn nghệ quần chúng ổn định, bắt nhịp với cuộc sống đương đại.

Các giá trị di sản văn hóa dân tộc được coi trọng bảo vệ, xếp hạng hơn 3 nghìn di tích cấp quốc gia, 7 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO vinh danh Di sản thế giới. Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc đầu tư sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số được quan tâm, điển hình là dự án sưu tầm, công bố sử thi Tây Nguyên, dự án công bố, phổ biến tài sản văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2007-2012… Đời sống tôn giáo ổn định, đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.

Sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; quản lý hệ thống thông tin đại chúng; củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa; việc mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, dự thảo báo cáo cũng chỉ rõ, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII còn gặp không ít khó khăn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Môi trường văn hóa còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội và các sản phẩm văn hóa độc hại. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chạy theo khuynh hướng giải trí, sính ngoại, bắt chước, hạ thấp chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ.

Đáng báo động là sự buông lỏng của chính quyền quản lý cơ sở dẫn đến nhiều di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại. Không ít trường hợp chưa giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với các dự án phát triển kinh tế xã hội. Giáo dục và đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu và chưa vững chắc, thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế. Từ đó cho thấy sự cần thiết về việc ban hành một Nghị quyết trung ương mới về văn hóa, dựa trên tính dân tộc và tính nhân văn.

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa đã ban hành được 15 năm khi nước ta mới bước vào kinh tế thị trường giai đoạn đầu nên chưa lường hết được mặt trái của nó đến xây dựng văn hóa, xây dựng con người như thế nào. Bên cạnh đó, việc phát triển và kết nối mạng internet đã phát triển vượt bậc. Hội nhập quốc tế đã và đang thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, đòi hỏi phải có cách nhìn mới, những chủ trương mới. Ngoài ra, đất nước đang thực hiện chủ trương chiến lược đổi mới nền tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế- đổi mới nền tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Quá trình đó liên quan mật thiết đến tư duy, cách làm, cách nghĩ đến nguồn nhân lực có văn hóa. Hiện nay, thực trạng văn hóa ở nước ta có mốt số mặt đang bị suy thoái khá nghiêm trọng, nhất là về đạo đức lối sống, gây sự bức xúc trong xã hội. Điều đó đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng để khắc phục tình trạng này”.

Định hướng tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới cũng đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách; Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có tác dụng đối với việc xây dựng nhân cách; Chăm lo xây dựng văn hóa chính trị với tư tưởng lấy dân làm gốc và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, chủ động giao lưu hợp tác quốc tế./.



Phương Thúy - Thanh Hiền/VOV


.