Xóa bỏ quy định "cấm" kết hôn giữa những người đồng giới

03:11, 26/11/2013
.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại Hội trường sáng nay 26-11 về Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, đồng thời đề nghị cần có lộ trình để thừa nhận việc chung sống giữa những người đồng giới.
 

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc): Cần có lộ trình thừa nhận hôn nhân đồng giới
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc): Cần có lộ trình thừa nhận hôn nhân đồng giới


Sáng nay 26-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu Quốc hội bàn thảo là việc xóa bỏ quy định “cấm” kết hôn giữa những người đồng giới, thay bằng cụm từ “không thừa nhận” hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Việc này, theo nhiều đại biểu Quốc hội, sẽ giúp khắc phục được những bất cập trong thời gian qua khi chính quyền địa phương tiến hành xử phạt, lập biên bản đối với những đôi đồng giới tổ chức đám cưới.

Việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính cũng không còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật nữa. Trong trường hợp họ không chung sống với nhau nữa thì cũng sẽ có quy định để giải quyết hậu quả cụ thể.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng việc thừa nhận hôn nhân đồng giới không thể vội vàng và cần có lộ trình cụ thể. Trước mắt, dự thảo luật cần đảm bảo những quy định chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình chung sống của các cặp đôi đồng tính liên quan tới việc nhận con nuôi, tài sản,…

Cho rằng vấn đề chung sống giữa những người cùng giới tính là vấn đề thực tế đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc pháp luật thừa nhận vào thời điểm này là phù hợp. “Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy họ đều có lộ trình để thừa nhận việc chung sống này” - ông Tuyết  nói.

Về vấn đề mang thai hộ, đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc cho phép mang thai hộ mang tính chất nhân đạo nhưng sẽ có rất ít trường hợp tự nguyện mang thai hộ, trừ trường hợp đặc biệt như chị, em gái thân thích trong gia đình.  Theo ông Hoàng, cho phép mang thai hộ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần phải được xử lý như việc đứa trẻ ra đời không khỏe mạnh mà lại bị khuyết tật thì phải xử lý ra sao khi đa số các cam kết về mang thai hộ là bằng miệng? Trường hợp đẻ ra 2-3 con nhưng người nhờ mang thai hộ lại chỉ muốn nhận 1 đứa con thì giải quyết thế nào?

Đại biểu Hoàng đề nghị chưa được vào luật quy định này mà cần có thời gian xem xét, thu thập ý kiến của người dân để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Ủng hộ việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đại biểu Hồ Thị Thủy đề nghị Luật Hôn nhân và Gia đình phải quy định chặt chẽ, cụ thể để tránh những hậu quả phức tạp nảy sinh, khó giải quyết xung quanh việc chăm sóc, phụ giúp người mang thai hộ, cam kết của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ với đứa con khi sinh ra,

“Tôi đề nghị không nên giới hạn chỉ cho phép người thân thiết trong gia đình mới được mang thai hộ, bởi như vậy sẽ làm giới hạn chính sách nhân đạo. Tôi nghĩ rằng nên mở rộng đối tượng được phép mang thai hộ, vì đây là quan hệ dân sự. Miễn sao đối tượng đó đủ điều kiện và việc mang thai hộ không bị thương mại hóa” - bà Thủy nói.



Theo Thế Kha/Người lao động


.