Thu hồi đất phải vì lợi ích quốc gia

09:11, 23/11/2013
.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến yếu tố lợi ích quốc gia khi thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 22/11.
 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Việt Nam đang trong quá trình phát triển, thu hồi đất phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội là đúng đắn, vấn đề là cần quy định rõ ràng dự án nào phục vụ cho phát triển xã hội để tránh bị lợi dụng như thu hồi đất làm khu công nghiệp, khu đô thị, khu chế xuất phục vụ cho lợi ích nhóm.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nhìn nhận đất đai là tài nguyên đặc biệt không tái tạo gia tăng giá trị, mà chỉ các tài sản trên đất sinh ra giá trị phục vụ cho phát triển đất nước. Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh cân bằng giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất thông qua việc bồi thường, tái định cư. Nếu thu hồi đất vì lợi ích của doanh nghiệp thì phải thoả thuận với người sử dụng đất..

Hiện vẫn còn có những ý kiến khác nhau trong việc đề nghị thu hẹp đối tượng hưởng chính sách đất ở, đất sản xuất là đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Một số ý kiến đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ cho người già không nơi nương tựa và người khuyết tật không có đất ở, cũng như đề nghị làm rõ khái niệm về quy hoạch sử dụng đất , đề nghị sử dụng khái niệm giao quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, thu hồi quyền sử dụng đất thay cho khái niệm giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và làm rõ khái niệm công nhận quyền sử dụng đất.

Cũng có đại biểu đề nghị không nên quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế- xã hội, bởi quy định thu hồi đất để phát triển lợi ích quốc gia đã bao hàm cả lợi ích phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Yên Bái) cho rằng đất đai là sở hữu toàn dân, vì vậy, người dân cần được tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

“Thời gian qua, tình trạng khiếu kiện nhiều và kéo dài, một phần do người dân không biết và không nắm được thông tin khi có dự án đất được thu hồi. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất người dân không được tham gia, trong khi nhiều thông tin “cò đất” biết, nhà đầu tư biết, chỉ người dân đứng ngoài cuộc”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu thực tế như vậy và đề nghị bổ sung Điều 24 của dự thảo Luật quy định chính quyền cấp xã, thị trấn có quyền tham gia quản lý sử dụng đất; bổ sung Điểm 1, Điều 49 về vai trò trách nhiệm cấp huyện, xã lấy ý kiến toàn dân khi tham gia góp ý xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị trong xây dựng quy hoạch sử dụng đất cần công bố công khai để mọi người dân được biết.

Liên quan đến bồi thường đất, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng quy định như trong dự thảo chưa thể hiện quan điểm dân chủ, công tác dân vận của Đảng.

“Nếu một ngôi nhà kế cận 2 con đường thì khi áp dụng thu hồi đất theo nguyên tắc nào. Phải tính toán để có lợi nhất cho dân. Bên cạnh quy định rõ phương pháp tính để các cơ quan thực thi dễ áp dụng, cần bổ sung Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia giám sát đền bù, như vậy sẽ giảm được khiếu kiện”, đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề xuất.

Ngoài ra, công tác hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi Nhà nước thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống.

Tiếp thu những ý kiến này, trước đó, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu bổ sung các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Mục 2, Chương VI theo hướng phân biệt rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo đó, bồi thường là bù đắp những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền.

Đối với hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà xác định đây là việc Nhà nước tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có cuộc sống tốt hơn. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở cho người có đất thu hồi, nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu.

 

Theo Chinhphu.vn


.