Quốc hội thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

10:11, 27/11/2013
.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 26/11, với tỷ 86,75% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.

Luật gồm 5 chương 80 điều quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
 

    Quốc hội thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.
Quốc hội thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.



Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) số 48/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.


Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, chỉ quy định THTK, CLP đối với khu vực nhà nước, không điều chỉnh đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

UBTVQH xin Quốc hội cho được giữ quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật với lý do:

Thứ nhất, THTK, CLP là yêu cầu quan trọng và có tính thường xuyên, lâu dài của mọi quốc gia. Đối với nước ta - một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển còn nhiều khó khăn thì việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để xây dựng đất nước càng hết sức cần thiết. Mặt khác, việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân, kể cả các nguồn lực thuộc sở hữu tư nhân đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp và có ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; có thể nói THTK, CLP phải là trách nhiệm của toàn xã hội.

Thứ hai, Luật THTK, CLP hiện hành cũng đã quy định và qua quá trình tổ chức thực hiện đã phát huy tác dụng trên thực tế.

Thứ ba, các quy định về THTK, CLP của Dự thảo luật đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng trong nhân dân chủ yếu mang tính chất khuyến cáo, định hướng, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong giáo dục, hướng dẫn thực hiện pháp luật đối với toàn xã hội, góp phần nâng cao ý thức THTK, CLP của nhân dân. Vì vậy, các quy định này không ảnh hưởng tới quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Liên quan đến các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, có ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra lãng phí, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH xin giải trình như sau: Trong Dự thảo luật đã có Điều 7 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và Điều 78 quy định về trách nhiệm, mức độ xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại cùng với một số điều luật khác trong Dự thảo luật có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu như Điều 33 quy định về ban hành và trách nhiệm trong ban hành quyết định đầu tư và quy hoạch; Điều 45 quy định về hành vi gây lãng phí... Vì vậy, xin được giữ như Dự thảo luật.

Về trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí, một số ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách gây lãng phí. UBTVQH cho rằng, đối với các chính sách được ban hành dưới hình thức tập thể, thực hiện theo quy trình quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng trong quá trình chuẩn bị không đánh giá, phân tích tác động của chính sách và chất lượng dự báo thấp hoặc thiếu các điều kiện thực thi, dẫn đến không phù hợp, gây lãng phí, khi phát hiện, cấp có thẩm quyền phải có trách nhiệm xem xét để kịp thời bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách đó. Đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước hoặc tổ chức thì bị xử lý với nhiều hình thức như xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật... Các quy định này đã được thể hiện ở các luật có liên quan như Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội... Tuy nhiên, để làm rõ quy định, UBTVQH đã bổ sung khoản 2 Điều 7 vào Dự thảo luật quy định về trách nhiệm của người đứng đầu ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí.

Về trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, có ý kiến đề nghị, bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành của các cơ quan hữu quan khi thực hiện nhiệm vụ thiếu sự chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, thiếu sự kết nối thông tin để bảo vệ lợi ích cộng đồng, gây lãng phí thất thoát ngân sách nhà nước, cản trở sự phát triển xã hội. UBTVQH xin tiếp thu và bổ sung vào khoản 3 Điều 67 về trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm THTK, CLP.

Về quy định các lĩnh vực phải THTK, CLP, có ý kiến cho rằng, Dự thảo luật liệt kê một số lĩnh vực THTK, CLP là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung quy định về THTK, CLP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh...

UBTVQH nhận thấy, THTK, CLP là yêu cầu đối với mọi lĩnh vực nên Dự thảo luật đã có những quy định chung áp dụng đối với mọi lĩnh vực, trong đó có cả văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, Luật này chỉ tập trung điều chỉnh đối với một số điểm chính, việc chính trong một số lĩnh vực quan trọng đã và đang xảy ra lãng phí lớn, mang tính đặc thù như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; giáo dục; y tế; quản lý, sử dụng lao động.... Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật, tại một số luật chuyên ngành đã có quy định điều chỉnh cụ thể về THTK, CLP. Vì vậy, xin Quốc hội cho được giữ như Dự thảo luật.../.
 

 


Theo Thu Hằng/ Báo điện tử Đảng CSVN


.