Quốc hội cần tăng đại biểu chuyên trách

10:11, 29/11/2013
.

Hiện chỉ có hơn 20% đại biểu Quốc hội là đại biểu chuyên trách, vì các đại biểu kiêm nhiệm còn phải gánh vác các nhiệm vụ khác.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII chuẩn bị kết thúc. Đây là một trong những kỳ họp được cho là dài nhất (40 ngày). Xung quanh câu chuyện, Quốc hội có nên dồn vào họp 2 kỳ/năm như hiện nay hay họp trong từng tháng, từng quý và thời gian mỗi kỳ họp ngắn hơn; nên giảm bớt số lượng đại biểu kiêm nhiệm...

Cần tính toán để tiết kiệm!

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi: “Tại sao Quốc hội chỉ họp mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ dài trên 30 ngày. Muốn họp thêm phải có các thủ tục quy định khá chặt chẽ. Nếu Quốc hội họp nhiều kỳ, mỗi kỳ khoảng 10 ngày thì có gì là khó khăn hay kém hiệu quả hay không? Tôi thấy ngược lại có khi tốt hơn vì hợp lý hơn với tâm sinh lý đại biểu và tác động tốt đến năng suất làm việc của đại biểu trong kỳ họp”.

Sắp tới đây khi tòa nhà Quốc hội hoàn thành đưa vào sử dụng, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, điều kiện họp nhiều kỳ càng thuận tiện hơn. Hơn nữa Quốc hội Khóa XIII và chắc là Quốc hội các khóa tới sẽ luôn trong tinh thần đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, họp nhiều kỳ ngắn ngày trong năm của Quốc hội là rất thích hợp.
 

  "Tại kỳ họp này, thay vì họp 41 ngày, chúng ta có thể rút ngắn xuống còn trên dưới 30 ngày" - Đại biểu Trần Quốc Tuấn
"Tại kỳ họp này, thay vì họp 41 ngày, chúng ta có thể rút ngắn xuống còn trên dưới 30 ngày" - Đại biểu Trần Quốc Tuấn

 

Trước đó, phát biểu thảo luận về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết: “Cách đây 1 năm trong một buổi tập huấn, tôi có được nghe một chuyên gia cung cấp một thông tin rằng, nếu mỗi một phút chúng ta ngồi tại hội trường này thì nhà nước phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng, bình quân mỗi một kỳ họp như thế một ngày chúng ta mất khoảng 1 tỷ đồng”.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, một tỷ đồng không phải là lớn nếu các đại biểu Quốc hội ngồi thảo luận và đi đến quyết định, giải quyết các vấn đề quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân, mang lại lợi ích cho quốc gia. Nhưng 1 tỷ đồng cho một ngày họp nó sẽ rất lớn nếu Quốc hội không làm được những việc đó.

Theo đánh giá của đại biểu, trong các tổ chức hội nghị, hội thảo, các chuyên đề liên quan đến Quốc hội còn lãng phí. Thực chất có những hội nghị, hội thảo bị hoãn hoặc những nội dung tổ chức cũng không đi sát, không phù hợp lắm với nhu cầu của đại biểu nhưng các đại biểu vẫn phải tốn thời gian, tốn chi phí để tham dự các buổi này.

Đại biểu băn khoăn: Với thực tế diễn ra như vậy thì những nguy cơ có thể gây lãng phí đang diễn ra, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Có phải là của Quốc hội chúng ta không? Nếu là của Quốc hội thì chúng ta có phải đưa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vào đối tượng cần điều chỉnh trong luật này hay không?”.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kỳ họp, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn để rút ngắn thời gian của mọi kỳ họp. Đại biểu nói: “Tôi có tiếp cận với nhiều đại biểu Quốc hội, các đại biểu đều cho rằng, trong Quốc hội chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, có thể dẫn đến lãng phí. Bởi thời gian kỳ họp Quốc hội hàng năm kéo dài hơn so với nội dung thực chất trong chương trình cần giải quyết và các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề có liên quan đến các hoạt động của Quốc hội còn có hiện tượng lãng phí”.

Đại biểu phân tích, kỳ họp Quốc hội hàng năm kéo dài hơn so với các nội dung thực chất cần giải quyết, đặc biệt kỳ họp cuối năm. Qua nghiên cứu nội dung kỳ họp, “tôi và nhiều đại biểu Quốc hội thấy có thể rút ngắn thời gian của mỗi kỳ họp xuống từ 5 - 10 ngày; điển hình như tại kỳ họp này, thay vì họp 41 ngày, chúng ta có thể rút ngắn xuống còn trên dưới 30 ngày. Có như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm vừa về thời gian, ngân sách của nhà nước bằng cách chúng ta có thể sắp xếp, bố trí thời gian một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt là trước mỗi kỳ họp, chúng ta có thể phát huy quyền và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cho Quốc hội”, đại biểu nhấn mạnh quan điểm của mình.

Nên chuyên nghiệp hóa đại biểu Quốc hội

Theo Đại biểu Trần Quốc Tuấn, trong số các đại biểu Quốc hội có rất nhiều đại biểu đang giữ những vai trò trọng trách của các tỉnh, thành phố và cuối mỗi năm có công việc rất quan trọng.

“Nếu tham gia kỳ họp kéo dài như thế này thì công việc ở nhà rất khó giải quyết, nếu về thì phải tốn rất nhiều chi phí, vé máy bay, xe đưa, xe đón. Còn nếu ở lại thì công việc sẽ bị đình trệ”, đại biểu nói.

Từ thực tế này, theo Đại biểu Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung thì cần chuyên nghiệp hóa đại biểu quốc hội, giảm bớt kiêm nhiệm, đại biểu “gánh” cả mấy vai vừa lập pháp vừa hành pháp; vừa lập pháp vừa tư pháp.

“Vì những đại biểu này khi vào Quốc hội thì rất khó cho họ hoạt động. Chúng ta cứ quan sát những vị gánh 2 vai thì khi người ta phát biểu rất khó. Nếu người ta nói ra những khuyết điểm của ngành mình thì anh em trong ngành sẽ có phản ứng. Nhưng nếu không nói ra thì lại không làm tròn nhiệm vụ”.

Đại biểu Lê Thị Nga lấy ví dụ: trong ngành điện, có một đại biểu là Phó Tổng GĐ EVN hay Tập đoàn than khoáng sản. Khi vào Quốc hội thì những đại biểu này phải bảo vệ cho ngành than chẳng lẽ lại bảo “Giá than, giá điện như thế không hợp lý, cần phải minh bạch...”.

Hoặc một ông Bộ trưởng vào đây thì hoạt động thế nào? Hay một ông Tổng giám đốc, ông ấy có dám đứng lên phản ứng về một dự án Luật nào đó liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách do ông Bộ trưởng thừa ủy quyền thủ tướng trình? Một ông đại biểu công an có dám phản đối Luật Công an nhân dân không? Trong khi có thể cá nhân ông đó thấy có những điểm không hợp lý. “Cho nên, theo tôi, nên giảm bớt số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng đại biểu chuyên trách, chuyên nghiệp. Vấn đề là cách mình bảo vệ thế nào chứ không phải mình nằm hẳn trong một ngành nào đó thì mới đại diện được cho ngành” – Đại biểu Lê Thị Nga nói.

Cùng chung quan điểm nên chuyên nghiệp hóa đại biểu Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Chỉ có hơn 20% là đại biểu chuyên trách. Còn các đại biểu kiêm nhiệm thì nhiệm vụ chính của họ là hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cho nên không thể tổ chức họp thường xuyên được. Vì thế, giữa hai kỳ đã có rất nhiều kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những vấn đề bức thiết. Nếu thấy cần thiết thì sẽ họp chuyên trách và cần thiết nữa thì sẽ họp trực tuyến để các đại biểu Quốc hội cùng tham gia, tránh việc triệu tập tất cả về đây gây tốn kém./.
 

 


Vũ Hạnh/VOV online


.