Nước Nga trong ký ức cựu sinh viên Quảng Ngãi

03:11, 07/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đối với những người Quảng Ngãi đã từng sống và học tập ở Liên Xô (cũ) và nay là Liên bang Nga, luôn coi đất nước này như quê hương thứ hai. Tri thức Nga, văn hóa Nga dường như đã ngấm vào dòng máu, trong sâu thẳm ký ức của mỗi cựu sinh viên Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng mãi mãi không bao giờ quên. Những hình ảnh đẹp của đất nước Nga, những rừng dương xanh rì, những chú lật đật đáng yêu hay những cánh đồng Nga mộc mạc, luôn là những kỷ niệm đẹp đối với họ.



Từ chiếc nôi của nền giáo dục Nga, những tiến sĩ, kỹ sư tốt nghiệp trở về lại quê hương đều đảm nhiệm các chức vụ quan trọng và đã thành đạt. Họ đã chứng minh những ưu thế của nền giáo dục Nga và cao hơn nữa là một tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ.

Các cựu sinh viên Quảng Ngãi tọa đàm nhân 96 năm Cách mạng Tháng 10 Nga.
Các cựu sinh viên Quảng Ngãi tọa đàm nhân 96 năm Cách mạng Tháng 10 Nga.


Đó là, khi đất nước đang bước vào thời kỳ kháng chiến khốc liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta thực hiện chủ trương tuyển chọn đưa 50 người Việt Nam đầu tiên sang Nga du học. Trong số những người Việt Nam vinh dự được cử đi lần này có ông Lê Văn Phước. Ông Phước nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn An (cũ), nay đã bước sang tuổi 82, sống ở phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi.

Lúc bấy giờ, bản thân ông chưa hề biết gì về tiếng Nga kể cả bảng chữ cái. Tuy nhiên, với thế mạnh đã biết chữ La Tinh nên việc áp dụng trong Ngành Y của Trường Y số 2 Matxcova cũng phần nào giúp ông nhanh chóng tiếp cận với các môn học. Nhờ vậy mà tất cả các môn học ông đều đạt điểm tuyệt đối. Với tấm bằng đỏ trong tay, ông được cử học lên học tiến sĩ.

Năm 1963, ông Phước trở về nước và tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Y Hà Nội. Sau đó ông được tín nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình, rồi đến Hiệu trưởng Trường ĐH Y Huế… Đối với ông, nước Nga cũng giống như quê hương thứ hai của mình. “Trong những năm sinh sống tại nước Nga, tôi đã nhận được sự đối đãi chân thành và giản dị, gần gũi của thầy cô và những người bạn Nga. Điều đó được minh chứng bằng cách sống của người Nga, họ coi chúng tôi như những người thân trong gia đình. Điều đó được thể hiện rõ nét trong ngày Tết cổ truyền của đất nước họ ”, ông Phước chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Năm xúc động khi nói về nước Nga.
Ông Nguyễn Năm xúc động khi nói về nước Nga.


Giống như ông Phước, ký ức về những ngày tháng tươi đẹp tại nước Nga tràn ngập trong lòng cựu sinh viên Nguyễn Năm (80 tuổi) từng học tập tại xứ sở bạch dương. Ông Năm là người Quảng Ngãi - một trong những người sống và học tập tại Nga lâu nhất. Với 10 năm sống và học tập tại đất nước này đã để lại trong ông nhiều ký ức đẹp. Trò chuyện với chúng tôi về quê hương thứ hai của mình, ông Năm không giấu được những giọt nước mắt nhớ thương nước Nga, con người Nga, những người thầy, bạn học… Và đối với ông, niềm vinh dự lớn lao nhất đó là được gặp Bác Hồ cùng đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong dịp Đại hội lần thứ 20 ĐCS Liên Xô (cũ). “Cách đây 25 năm, tôi có dịp được trở lại nước Nga, được đi trên những con đường thân quen, ngắm rừng dương, những vẻ đẹp rất riêng của nước Nga, … trong tôi lại trỗi dậy những tháng ngày sống và học tập tại đây”, ông Năm xúc động kể.

Nhân kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917- 7.11.2013), Hội Hữu nghị Việt- Nga tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt tọa đàm nhằm ôn lại những ký ức tươi đẹp về đất nước và con người Nga trong lòng những cựu sinh viên Quảng Ngãi du học tại Nga. Tại buổi gặp mặt, các cựu sinh viên đã thể hiện nỗi nhớ thông qua việc thể hiện những ca khúc bằng tiếng Nga: “Đôi bờ”, “Cánh đồng Nga”,… và cùng nhau ôn lại những ký ức về nước Nga.

Có thể nói rằng, đất nước Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có được những thành quả như ngày hôm nay là có sự giúp đỡ chân thành của những người bạn Nga, đặc biệt là nguồn lực con người. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ cũng tiếp bước cha anh đi trước, chọn xứ sở bạch dương làm nơi thực hiện hoài bão học tập, nghiên cứu khoa học.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.