Dân đã hiểu thì mọi thứ đều thông

09:11, 16/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Long Sơn là một trong những xã được hưởng lợi từ Chương trình 30a của Chính phủ. Trong những năm gần đây, nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư đã phục vụ đắc lực cho nhân dân trong sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao (38,33%), nhiều hộ dân còn thiếu đất sản xuất… Do đó, Huyện uỷ Minh Long chọn đây là một trong những nội dung để đối thoại với người dân Long Sơn.

TIN LIÊN QUAN


Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh - Bí thư Huyện ủy Minh Long cho biết: Việc chọn chủ đề “Công tác quản lý đất đai và các chính sách an sinh - xã hội; công tác giảm nghèo” đối thoại với nhân dân xã Long Sơn là nhằm mục đích để người dân hiểu, thấy được quyền và nghĩa vụ của bản thân trong công tác này. “Chủ trương của Đảng chỉ đi vào cuộc sống một khi dân đã hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia”, đồng chí Đinh Thị Hồng Minh, đúc kết từ thực tiễn.

 

Đường vào thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long).
Đường vào thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long).


 Với chủ đề liên quan trực tiếp đến người dân, nên tại buổi đối thoại có đến 50 ý kiến, kiến nghị gửi đến đồng chí Bí thư. Cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và trên tinh thần xây dựng. đồng chí Bí thư Huyện ủy đã trả lời trực tiếp ngay tại buổi đối thoại những ý kiến thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Đối với những ý kiến liên quan đến tranh chấp đất, giao đất giao rừng; các chính sách an sinh xã hội, pháp luật; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện giải quyết cụ thể.

Đến nay, sau hơn 3 tháng đối thoại, hầu hết các kiến nghị của nhân dân đã được các cơ quan chức năng trả lời và giải quyết kịp thời. Cụ thể là, việc giao đất, giao rừng cho nhân dân chưa đúng như Nghị quyết 30a của Chính phủ, hộ nghèo thiếu đất sản xuất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp nhiều năm chưa được giải quyết…UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, kiểm tra cụ thể các vấn đề người dân nêu, nhất là việc một số cán bộ xã và huyện trồng keo ở thôn Gò Tranh. T

Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND huyện sẽ thu hồi lại những diện tích đất cấp không đúng đối tượng và giao cho hộ nghèo thiếu đất trong thời gian đến. Tiến hành rà soát tổng thể diện tích đất rừng ở hố Bà Phi để cấp cho dân trồng rừng sản xuất. Riêng đất sản xuất trên núi Xuân Thu, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường tiến hành đo vẽ thực địa, phân chia từng lô và đã giao đất cho 54 hộ tại địa phương.

Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu xã lập danh sách cụ thể các hộ nghèo chưa có đất sản xuất trình huyện để có hướng xử lý trong thời gian đến. Kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí kéo điện cho nhân dân thôn Gò Tranh, cấp nước sinh hoạt ở thôn Gò Chè, làm bờ kè ở các bờ sông thôn Xà Tôn vì sạt lở làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của nhân dân, xây dựng cầu SaVan…

Đồng chí Bí thư cũng giải thích để người dân hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong Chương trình 30a. Đó là, hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, tiền vận chuyển giống của từng loại vật nuôi theo nhu cầu chuyển đổi của hộ chăn nuôi…”. Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh cho biết thêm: Do đặc thù của miền núi nên những bức xúc của dân chủ yếu là các chính sách an sinh xã hội.

Chính vì vậy, ngoài việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì mục đích chính của buổi đối thoại là tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho nhân dân về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhằm góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Qua đó sẽ tạo sự đồng thuận xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội tại địa phương.


Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.