Đại biểu Quốc hội bàn về quy định kết hôn đồng giới

10:11, 14/11/2013
.

"Mặc dù không thừa nhận nhưng Nhà nước không bỏ rơi người đồng tính, vẫn có những giải pháp xử lý các tình huống phát sinh".

Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) nêu rõ: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, thay vì cấm như trong Luật Hôn nhân gia đình năm 2000.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là một thực tế ở Việt Nam.
 

 Nhóm đồng tính nam tỉnh Hải Dương trong một buổi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS
Nhóm đồng tính nam tỉnh Hải Dương trong một buổi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS

Mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan Nhà nước cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý, nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.

Theo bà Trương Thị Mai, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và kinh nghiệm quốc tế hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý Nhà nước về vấn đề này.

PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định: Giữa việc cấm và thừa nhận hôn nhân đồng giới phải có quá trình. Quá trình này này phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quan niệm hôn nhân của từng quốc gia.

Đối với Việt Nam, quan niệm như hiện tại là rất nhân đạo: Từ chuyện cấm - đã thừa nhận trên quan hệ, không thừa nhận hôn nhân. Theo đó, hai người cùng giới tính có thể về sống với nhau, coi nhau như “vợ chồng”, nhưng về mặt pháp lý không phải là vợ chồng như hai người khác giới có đăng ký kết hôn.

Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, kinh nghiệm của các nước nước tiên tiến như Hà Lan, Pháp…, để thừa nhận vấn đề này luôn luôn phải có lộ trình. Thế giới hiện có 16 quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới. Song trước khi thừa nhận, họ đã trải qua hàng trăm năm. Ví dụ ở Đức, hiện tại xem là chung sống dân sự có đăng ký tại chính quyền – đó không phải là đăng ký kết hôn.

Có thể đưa hôn nhân đồng giới vào Luật Hộ tịch

Trao đổi với phóng viên VOV online, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận và thông qua lần này chính là chúng ta không cấm hôn nhân đồng giới.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói: “Hôn nhân đồng giới không quy định vào Luật Hôn nhân gia đình, nhưng sắp tới trong Luật Hộ tịch, theo tôi nên quy định quyền đăng ký sống chung. Tức là giữa hai người đồng giới có sự tự nguyện, thỏa thuận với nhau thì họ có quyền đăng ký được sống chung với nhau và được Nhà nước cho đăng ký về mặt hành chính. Như vậy, khi sống chung, giữa họ có những nghĩa vụ, trách nhiệm và khi phát sinh mâu thuẫn thì sẽ được giải quyết theo pháp luật về dân sự. Khi họ không muốn sống với nhau nữa, lúc đó sẽ hủy đăng ký sống chung. Nó hoàn toàn khác với việc kết hôn rồi ra tòa ly hôn”.

PGS.TS Dương Đăng Huệ cũng khẳng định: Trong dự thảo Luật Hôn nhân gia đình lần này, thay vì “cấm” chuyển sang “không thừa nhận” là một cuộc cách mạng rất lớn. Mặc dù không thừa nhận nhưng Nhà nước không bỏ rơi người đồng tính, mà vẫn có những giải pháp xử lý các tình huống phát sinh. Đây là chính sách nhân đạo./.
 

 


Lại Thìn/VOV online


.