Quốc hội thảo luận kế hoạch KT-XH giai đoạn 2011-2015

09:10, 24/10/2013
.

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.
 

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận gồm: tăng trưởng kinh tế; ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; bội chi ngân sách và tái cơ cấu nền kinh tế.

Một số đại biểu băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cao hơn năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương phân tích: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của chúng ta trong 3 năm 2011-2013 chỉ đạt 5,16% so với mục tiêu tăng trưởng liên tục năm sau đều thấp hơn năm trước. Nếu so sánh cùng điều kiện về địa lý, kinh tế thì cũng lợi thế không kém gì các nước trong khu vực ASEAN nhưng lại phục hồi chậm hơn. Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, khả năng ứng phó và khắc phục những tác động tiêu cực của chúng ta còn chưa nhạy bén nhất là việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Xuân Thăng nói: “Trên đây Chính phủ có đưa ra 3 liều thuốc. Thứ nhất là tăng bội chi ngân sách từ 4,9 lên 5,3 %. Thứ hai là tăng trần nợ công lên 65%. Thứ ba là phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, tức là chúng ta có thêm nguồn lực. Nhưng tôi quan tâm nhất vấn đề nguồn lực ở đây thì liều thuốc này cần phải tiêm đúng chỗ, uống đúng lúc và đúng liều lượng. Đặc biệt là phải phát huy hiệu quả nên tôi đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm những thuyết trình rõ ràng hơn, thuyết phục hơn việc tại sao chúng ta chọn thời điểm này để đưa ra liều thuốc như vậy và liều thuốc như vậy thì đưa vào đâu”.

Một số ý kiến khác cho rằng, Chính phủ cần đặt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho nền kinh tế đất nước trong 2 năm tới bởi kinh tế vĩ mô mặc dù ổn định, lạm phát kiểm soát tốt nhưng chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, đại biểu Đặng Thành Tâm, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Giải quyết nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Thực tế chúng ta đang thừa nguồn cung vốn nhưng việc giải ngân nguồn vốn này cho các doanh nghiệp nhất là lĩnh vực bất động sản còn chậm dẫn đến việc nợ xấu ngân hàng chưa giải quyết được. Việc tăng chi ngân sách cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt nếu kéo dài sẽ khiến nền kinh tế suy giảm.

Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất… Theo đại biểu Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải tính toán kỹ về vấn đề nợ công. Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Chúng ta phải có 1 lộ trình là kế hoạch vay nợ trung và dài hạn. Thứ hai là tính toán đầy đủ các khoản nợ phải trả hàng năm. Theo ngưỡng của thế giới nếu khoản nợ hàng năm phải trả mà vượt 25% tổng thu ngân sách thì đó là điểm phải lưu ý. Còn nếu vượt 30% là đèn đỏ tức là không còn an toàn. Đây là vấn đề quan trọng phải có tính toán dài hạn chứ nếu ta chỉ lấy bao nhiêu phần trăm GDP là chưa đủ”.

Góp ý về kế hoạch 2 năm còn lại của giai đoạn 2011-2015, các đại biểu cho rằng, trên cơ sở đóng góp ý kiến về chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2014 cũng cần có những chính sách cho phát triển trong năm 2015. Những mục tiêu của năm 2014 phải gắn luôn với năm 2015, có nghĩa là chúng ta phải xem 2 năm tới nên làm cái gì.

Đại biểu Phạm Huy Hùng, đoàn Hà Nội cho rằng: “Trong những tháng còn lại của năm 2013, và năm 2014, 2015 chúng tôi đề nghị tiếp tục thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ cần điều hành 1 cách chủ động nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Tiếp tục kiểm soát lạm phát giữ ổn định tỷ giá và đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. nâng cao năng lực tài chính cũng như quản trị và hoạt động của các ngân hàng thương mại giải quyết nợ xấu để đẩy nhanh dòng vốn trên thị trường, giải quyết khó khăn về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu cũng thảo luận về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng tái cơ cấu trước mắt nên tập trung vào các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Cũng có ý kiến cho rằng cần đầu tư nguồn lực cho tái cơ cấu nông nghiệp được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời gian qua. Một số vấn đề về chính sách cho người nghèo, người có công và bảo hiểm y tế cũng là những vấn đề được các đại biểu thảo luận tại tổ chiều nay./.



Minh Long, Văn Hiếu/VOV


.