Bước đột phá trong công tác cán bộ- Kỳ 1: Kiểm tra năng lực cán bộ qua điều động, luân chuyển

03:10, 15/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, nhiều chủ trương, giải pháp lớn về công tác cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các địa phương trong tỉnh cụ thể hóa với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và bước đầu đã đạt được những chuyển biến quan trọng.
 

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Kiểm tra năng lực cán bộ qua điều động, luân chuyển


Có thể nói nửa nhiệm kỳ qua, các tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã thực hiện khá đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức cán bộ. Trong đó, luân chuyển, điều động cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cấp ủy các cấp triển khai quyết liệt với mục tiêu tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có triển vọng, nhiệt tình công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định.

 

Đào tạo cán bộ từ thực tiễn cơ sở

Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Thành ủy Quảng Ngãi đã thực hiện luân chuyển 4 đồng chí là thành ủy viên về các “điểm nóng” của thành phố, như phường Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Chánh Lộ và xã Nghĩa Dõng. Dù bước đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của bản thân cán bộ được luân chuyển, sự sát cánh trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ nên có thể nói rằng, những cán bộ này đã có bước trưởng thành.

 

Sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, công tác tổ chức, cán bộ ở Tư Nghĩa có nhiều chuyển biến tích cực.
Sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, công tác tổ chức, cán bộ ở Tư Nghĩa có nhiều chuyển biến tích cực.


Đồng chí Võ Quang - Thành uỷ viên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong (TPQN), được luân chuyển từ tháng 3.2011, chia sẻ: Nhận nhiệm vụ về đây tôi thấy, việc đầu tiên cần làm là phải thống nhất trong cấp ủy, ban thường vụ đảng ủy xốc lại tinh thần làm việc của cán bộ, công chức. Khắc phục cho được tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo chủ chốt, những tồn tại vướng mắc trong XDCB, xử lý một số vi phạm, nhất là trong lĩnh vực đất đai…Từ suy nghĩ đó, tôi đã bàn bạc trong cấp ủy xin chủ trương của cấp trên tiến hành bầu bổ sung kiện toàn ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ, phân công lại nhiệm vụ cho một số đồng chí trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân phường. Trong hai năm (2011 và 2012), phường đã thay đổi, bổ sung, điều chuyển vị trí công tác cho 18/22 cán bộ định biên. Để tạo nguồn cán bộ lâu dài, phường cử 16 cán bộ đi học các lớp trung cấp chính trị và đại học chuyên môn...

Nhờ xốc lại đội ngũ, bố trí đúng người, đúng việc nên đến nay phường đã giải quyết được hầu hết các vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm (còn khoảng 20% vụ việc thuộc thẩm quyền của thành phố chưa được giải quyết). Và sau nhiều năm xếp loại hoàn thành nhiệm vụ thì năm 2012, Đảng bộ phường Lê Hồng Phong được công nhận trong sạch, vững mạnh và năm 2013 này Đảng bộ quyết tâm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Thành công bước đầu đó được đồng chí Bí thư Đảng ủy phường đúc kết: “Ổn định tổ chức, đoàn kết nội bộ, nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo. Lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận và các hội, đoàn thể phải sâu sát với cơ sở, lắng nghe nhân dân. Bản thân là người đứng đầu thì phải nêu gương, công tâm, khách quan thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.

Khi cán bộ chủ chốt không là người địa phương    

Huyện Tư Nghĩa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn triển khai Đề án thí điểm bố trí các chức danh chủ chốt không phải là người địa phương theo tinh thần Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị. Sau khi điều đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Quỳnh Vân giữ chức Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí Huỳnh Chánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa.

Mặc dù mới đảm nhận nhiệm vụ, nhưng với kinh nghiệm trong công tác quản lý trước đây nên đồng chí Chánh tiếp cận nhiệm vụ mới không có trở ngại gì đáng kể. "Với tôi, việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ là điều hành công việc một cách công tâm, khách quan, trung thực, tạo mọi thuận lợi cho các địa phương phát triển trong khả năng nguồn lực của địa phương. Kiên quyết xoá bỏ cơ chế xin cho, phân bổ nguồn vốn đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và khả năng cân đối các nguồn lực", đồng chí Huỳnh Chánh, nói. Tư Nghĩa là huyện đồng bằng nhưng còn nghèo.

Thu ngân sách hằng năm chưa được 50 tỷ đồng, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển lớn, nhất là phát triển giao thông, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới. Tồn đọng trong giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, hộ nghèo còn cao… Điều này sẽ gây trở ngại không nhỏ trong việc lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhưng chúng tôi tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất cao trong Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương sẽ được tiến hành thuận lợi, đạt kế hoạch đề ra.  

Tính chung nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, toàn tỉnh đã luân chuyển, điều động trên 400 cán bộ, với nhiều chức danh, vị trí khác nhau. Việc điều động, luân chuyển cán bộ không chỉ nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy, tạo nguồn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà quan trọng hơn là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những yếu kém, khó khăn tồn đọng từ nhiều năm nay chưa giải quyết được, góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Điều động, luân chuyển cán bộ còn tạo môi trường rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tránh được sức ỳ, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, tài chính, công tác cán bộ, chế độ chính sách. Hằng năm, qua đánh giá, hầu hết số cán bộ điều động, luân chuyển đều hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo cao hơn trong các nhiệm kỳ tiếp theo.


T.Thuận
(Còn nữa)


.