Việt Nam sắp đón Thủ tướng Singapore thăm chính thức

10:09, 10/09/2013
.

Nhận lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) chính thức thăm Việt Nam từ 11-13/9/2013.

 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
 
 
Singapore được mệnh danh là đảo quốc gồm 64 đảo (1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ). Singapore hầu như không có tài nguyên. Phần lớn nguyên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, với chính sách phát triển đặc biệt, Singapore đã trở thành nước giàu có của khu vực và thế giới. Năm 2012, GDP đầu người của Singapore đạt 60.700 USD
 
Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu Châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi.
 
Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và thiết bị bán dẫn, là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở Châu Á.
 
Kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ: du lịch, cảng biển (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Cuối những năm 1990, kinh tế Singapore có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính (1997), tăng trưởng kinh tế của nước này không ổn định, có năm tăng trưởng âm 2,1% (2009), nhưng có năm tăng vọt 14,5% (2010).
 
Singapore đi đầu trong chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, và đang đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ thành một thành phố hàng đầu thế giới, đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và Châu Á và một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh.
 
Trong chính sách đối ngoại của mình, Singapore chú trọng và cân bằng quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc; cho rằng sự cân bằng lợi ích trong mối quan hệ  Mỹ - Trung là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm cho hoà bình và ổn định chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương
 
Tuy không phải là một nước tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, nhưng Singapore rất tích cực trong vấn đề Biển Đông vì thương mại hàng hải quốc tế là huyết mạch sống còn của nền kinh tế Singapore. 
 
Singapore quan tâm tới đảm bảo hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực; chủ trương giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Singapore cũng tích cực thúc đẩy ASEAN có một tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
 
Trong quan hệ đối với Việt Nam Singapore luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác đối với Việt Nam. Hai nước luôn nỗ lực tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
 
Quan hệ chính trị
 
Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Đại sứ quán Sigapore tại Hà Nội được lần lượt mở vào tháng 12/1991 và 9/1992.
 
Chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam tới Singapore là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (16 – 17/1/1978). Tại chuyến thăm này, hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ hai nước. Những năm 1979 – 1990, do vấn đề Campuchia nên quan hệ hai nước không có tiến triển.
 
Từ năm 1991, cùng với chuyển biến chung của cục diện quốc tế và tình hình khu vực, đặc biệt là việc ký Hiệp định Paris về Campuchia năm 1991, cũng như tác động của chính sách đổi mới của ta, quan hệ hai nước được cải thiện nhanh chóng.
 
Từ khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á.
 
Năm 2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
 
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Singapore  (9/2011), hai bên nhất trí về nguyên tắc đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm đối tác chiến lược. Tháng 9/2013, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên ra Thông cáo chung khẳng định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược trong năm 2013.
 
 Hợp tác kinh tế-thương mại - đầu tư
 
Về thương mại, từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2005 đạt 6,4 tỷ USD, đến năm 2012 đạt 9,6 tỷ USD. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là nước nhập siêu từ Singapore.
 
 
Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore
 
Các mặt hàng ta nhập từ Singapore gồm xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, sản phẩm điện tử, máy móc, hóa chất. Việt Nam xuất sang Singapore chủ yếu là hải sản, cà phê, dầu thô, đá quý, đồ điện tử.
 
Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Hết năm 2011, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 990 dự án (tổng vốn 24 tỷ USD); tính đến 7/2013, Singapore đã có gần 1200 dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 28 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
 
Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá có hiệu quả, đóng góp đáng kể cho kinh tế của Việt Nam. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm nay.
 
Hợp tác an ninh - quốc phòng
 
Về hợp tác quốc phòng: Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009); hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tham dự Hội nghị Shang-ri La lần thứ 8 (6/2009), thứ 9 (6/2010) và thứ 10 (6/2011); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (7/2010); Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (2/2012); Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (12/2003 và 9/2007); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (5/2010) và ADMM+ (10/2010)...
 
Về hợp tác an ninh: Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Singapore đã ký Thảo thuận Hợp tác (12/2006). Theo đó, hàng năm hai Bộ tổ chức họp cấp Thứ trưởng Thường trực. Đồng thời, hai bên duy trì trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao.
 
Hợp tác giáo dục-đào tạo, là lĩnh vực phát triển rất tốt đẹp giữa hai nước. Hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục (4/2007).
 
Hàng năm, Chính phủ Singapore cấp học bổng cho sinh viên đại học năm thứ nhất và thứ hai của Việt Nam học đại học tại Singapore (khoảng 15 suất/mỗi năm). Bộ Ngoại giao hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Singapore giai đoạn 2011-2013 (nhân dịp Trưởng Ban Đối ngoại TW Đảng Hoàng Bình Quân thăm Singapore tháng 11/2010) và Thỏa thuận về Chương trình đào tạo chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013-2015 (nhân chuyến thăm Singapore của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2012)./.
 
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu./.
 
 
Theo Bùi Hùng/VOV online
 

.