Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore

07:09, 11/09/2013
.

Trên cơ sở các thành tựu quan trọng đạt được trong quan hệ giữa hai nước 40 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã long trọng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Singapore thành Đối tác Chiến lược bao trùm 5 trụ cột.
 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long duyệt đội danh dự. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Singapore thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-13/9.
 
Chiều 11/9, lễ đón chính thức Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch.
 
Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ  tướng Lý Hiển Long.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Lý Hiển Long cùng đoàn đại biểu cấp cao của Singapore sang thăm chính thức Việt Nam; coi đây là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ gắn bó và tin cậy giữa hai nước, đồng thời là sự kiện quan trọng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013). Thủ tướng chúc mừng Chính phủ và nhân dân Singapore về các thành tựu quan trọng gần đây, nhất là về phát triển kinh tế, khoa học-kỹ thuật và đào tạo-quản lý nhân lực; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm kinh tế-tài chính, khoa học-công nghệ của khu vực, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở châu Á-Thái Bình Dương.
 
Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ vui  mừng trở lại thăm chính thức Việt Nam; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Thủ tướng, Phu nhân và các thành viên trong đoàn. Thủ tướng Lý Hiển Long chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, cũng như khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN, khu vực và quốc tế. Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa đánh giá cao bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại  Shangri-La ở Singapore tháng 5/2013.
 
 
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Trao đổi về hợp tác song phương, hai nhà Lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước; nhất trí cho rằng hai bên cần duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, kể cả hợp tác giữa hai Đảng và hai Quốc hội; ủng hộ việc xúc tiến thành lập Hội Hữu nghị tại mỗi nước nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
 
Hai nhà Lãnh đạo đánh giá hợp tác an ninh, quốc phòng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên cơ sở Hiệp định về Hợp tác Quốc phòng (2009) và Thỏa thuận Hợp tác về Phòng chống Tội phạm xuyên Quốc gia (ký năm 2006, gia hạn năm 2012); hoan nghênh việc hai nước vừa ký kết Bản Thỏa thuận về Cứu hộ Tàu ngầm và Bản Ghi nhớ về Chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự.
 
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại đang trở  thành điểm sáng và trụ cột trong quan hệ  hai nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Singapore luôn duy trì là một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt hơn 9 tỷ USD và Singapore hiện có gần 1.200 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 28 tỷ USD.
 
Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Singapore đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm như chế biến thủy sản, rau quả sạch, công nghệ gene, lai tạo giống…; ghi nhận các đề nghị của Việt Nam về tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam như nông, lâm, thủy hải sản, dệt may được tiếp cận thị trường Singapore nhằm tiến tới thương mại cân bằng hơn, và về hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
 
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
 
Hai nhà Lãnh đạo hài lòng về hiệu quả  của Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam-Singapore; đánh giá cao hoạt động của các Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại Bình Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh và tin tưởng rằng Khu Công nghiệp VSIP 5 sắp được khởi công tại Quảng Ngãi sẽ thành công, góp phần vào sự phát triển của miền Trung Việt Nam.
 
Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, năng lượng-dầu khí, nông nghiệp, xây dựng, giao thông -vận tải, lao động, tài chính, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…
 
Trao đổi về hợp tác khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc. Hai bên nhất trí đẩy mạnh phối hợp và cùng các nước ASEAN khác nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore tiếp tục hợp tác và ủng hộ Việt Nam trong tiến trình đàm phán TPP, đảm bảo TPP là một hiệp định cân bằng, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của các thành viên, nhất là các nước đang phát triển.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Singapore đã cùng các nước ASEAN khác ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đề nghị Singapore ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017. 
 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long hội đàm sau lễ đón chính thức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Hai Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh đoàn kết, vai trò tích cực của ASEAN, đồng thời đề cao các nguyên tắc chung của ASEAN như đã nêu trong Tuyên bố 6 điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC và sớm xây dựng COC.
 
Buổi hội đàm diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Trên cơ sở các thành tựu quan trọng đạt được giữa hai nước trong 40 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã long trọng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Singapore thành Đối tác Chiến lược.
 
Nội hàm Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore bao trùm 5 trụ cột, gồm làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau; tăng cường hợp tác kinh tế; nâng cao hợp tác an ninh quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác (giáo dục, pháp luật, y tế, văn hóa-nghệ thuật-thể thao); và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
 
Sau hội đàm, hai Thủ tướng cũng đã chứng kiến Lễ giới thiệu bộ tem chung Việt Nam-Singapore phát hành nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. 
 
 
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký ban hành bộ tem nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Singapore. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Sau Lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả Hội đàm.
 
Theo đó, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Singapore cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Nhất trí đánh giá quan hệ hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường, cho rằng các thành tựu đạt được trong 40 năm qua sẽ tạo đà cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
 
Về Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). 
 
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng, việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore không chỉ tạo xung lực mới để đưa các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững mà còn đóng góp tích cực cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
 
 
Theo Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc/Chinhphu.vn
 

.