Cán bộ giúp dân xóa nghèo

02:09, 09/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Sơn Cao (Sơn Hà) bây giờ chưa thể nói rằng hết nghèo. Nhưng cái đói tuyệt nhiên không còn nữa. Cái nghèo nơi đây đã có điểm tựa để giảm đi trong thời gian đến bằng nhiều giải pháp bền vững mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện.

TIN LIÊN QUAN

Cán bộ "làm nông”

Sơn Cao bây giờ đang vào mùa gặt. Một màu vàng ruộm trải dài ngút mắt trên cánh đồng. Bất cứ ai qua đây cũng phải trầm trồ. Anh Nguyễn Tấn Bình, người ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) lên đây làm nghề “chợ di động” ngừng xe đầu cầu bản bán hàng buông một câu chắc nụi: “Lúa mùa này đẹp quá! Bông dài, hạt to chẳng khác gì miền xuôi”. Nghe câu khen ngợi ấy, Phó Chủ tịch 30a xã Sơn Cao Trần Đình Vũ vui thầm trong bụng. Bởi anh là người đề xuất xin chủ trương của huyện làm “mô hình điểm” trồng lúa nước theo kỹ thuật canh tác mới ở cánh đồng này.

 

 Cán bộ xã Sơn Cao trên cánh đồng lúa áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác.
Cán bộ xã Sơn Cao trên cánh đồng lúa áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác.


Phó Chủ tịch Trần Đình Vũ về Sơn Cao công tác theo diện “dự án 600”. Chức vụ được trao cho anh là Phó Chủ tịch UBND xã. Nhưng kỳ thực, trong suốt quãng thời gian công tác tại đây, đặc biệt là khi được huyện chấp thuận cho phép triển khai thực hiện mô hình “cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước miền núi” anh đích thực là một “khuyến nông viên” thì đúng hơn. Hầu hết thời gian rảnh trong ngày, anh đều tranh thủ “chạy ra ruộng” để theo dõi diễn biến sâu bệnh, nước tưới, bón phân, chuột phá hại.

Theo chân Phó Chủ tịch Vũ ra tận cánh đồng Làng Rưm, thôn Xà Ây. Đi đến đâu, Phó Chủ tịch Vũ cũng được bà con chào hỏi, bắt chuyện thân mật. Già làng Đinh Văn Sang bảo: “Lúa đẹp thế này một phần cũng nhờ vào cán bộ Vũ đấy !”. Gia đình già Sang vụ này gieo sạ 5 sào lúa nước. Những năm trước, vì không chú trọng đến khâu chọn giống, nước tưới nên năng suất thấp, thu hoạch chỉ được 3 bao lúa. Còn vụ này, già Sang nhẩm tính đã cầm chắc trong tay hơn 10 bao lúa rồi. “Lúa được mùa, rạ rơm cũng được mùa theo. Cán bộ Vũ hướng dẫn dân làng mình chất cây rơm để làm thức ăn cho trâu bò. Nó nhiệt tình, dân làng thương mến nó lắm!” - Già Sang bảo.

Sát dân, hiểu dân, giúp dân

Những năm trước, công tác lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã Sơn Cao tuy được chú trọng nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng ngồi lại, bàn bạc, đề ra giải pháp khắc phục. Những cán bộ chủ chốt trẻ đã đề xuất tổ chức khảo sát tình hình thực tế, họp dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân nghèo. Mỗi cuộc khảo sát, mỗi buổi họp dân được xem như “kết quả điều tra xã hội học” cung cấp thông tin đầy đủ, giúp cấp ủy, chính quyền định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Cao Đinh Văn Bát cho biết: Xã đã chỉ đạo Phó Chủ tịch 30a của xã trực tiếp xuống họp dân, vận động sức dân khai thông kênh mương thủy lợi dẫn nước về đồng. Đồng thời lên huyện nhờ phòng chức năng chọn và xác định cơ cấu giống; hướng dẫn kỹ thuật bón phân, triển khai làm thí điểm để nhân dân học tập. Đối với phát triển chăn nuôi, xã tổ chức làm điểm mô hình trồng cỏ làm thức ăn, xây dựng chuồng trại, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho trâu bò. Tất cả mọi việc đều xuống họp dân triển khai, sau đó cán bộ đích thân xuống ruộng hướng dẫn dân chăm sóc lúa; đến tận hộ hướng dẫn trồng cỏ, làm chuồng cho trâu bò. “Cán bộ phải làm cho dân thấy thì dân mới dễ tiếp thu và làm theo” – Chủ tịch Đinh Văn Bát nói.

Vụ hè thu, xác định việc hạn hán sẽ xảy ra, xã đã huy động gần 1.000 công lao động trong nhân dân tổ chức nạo vét 7 tuyến kênh mương của xã đưa nước tưới từ con suối Cà Lăng thông về tận ruộng. Đồng thời làm thêm 32 đập bổi để đảm bảo đưa nước về tất cả các cánh đồng trên địa bàn. Để “thông tuyến” các con đường thuận lợi cho dân vận chuyển lúa, mì, keo, xã đã vận động nhân dân và các chủ xe tải hoạt động trên địa bàn đổ đất, cứng hóa hầu hết các tuyến đường trọng yếu. Riêng đối với công tác bảo vệ, phát triển đàn gia súc, gia cầm lên đến hơn 16.000 con, ngoài tiêm phòng, cán bộ xã còn hướng dẫn người dân tăng khẩu phần ăn hàng ngày; không giết thịt khi không cần thiết; tạo dựng làm của cải cho gia đình.

Phát triển kinh tế ở Sơn Cao hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, nhưng chuyện làm cây lúa, nuôi con trâu đã khác xưa nhiều. Nhà nhà bây giờ đã biết làm theo những điều cán bộ hướng dẫn. Vì thế công tác khuyến nông ở Sơn Cao đã phát huy hiệu quả. Ba mô hình khuyến nông là cải tiến kỹ thuật canh tác lúa, nuôi cá nước ngọt và trồng cỏ nuôi trâu bò đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức của người dân. Trong sản xuất lúa, 4 khâu quan trọng “nước, phân, cần, giống” nông dân đã khá “thuộc bài”; nuôi cá nước ngọt thì “thức ăn, chăm sóc” cũng đã “nằm lòng” trong nhiều gia đình. Trồng cỏ thì hầu như gia đình nào có trâu bò cũng đã học và làm theo…

“Xã đang tiến  hành thành lập hợp tác xã nông nghiệp để cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Muốn vận động người dân không sản xuất lúa chay mà phải bón phân mới đạt năng suất thì phải có cửa hàng phân bón ngay trên địa bàn” – Chủ tịch xã Đinh Văn Bát khẳng định.


          Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.