Ngày làm việc thứ 2 hội nghị Quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 7, BCH TƯ khoá XI

02:08, 14/08/2013
.

(QNĐT)- Tiếp tục chương trình hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khoá XI. Sáng 14/8, các đại biểu đã được nghe báo cáo các chuyên đề “Kết luận 63- KL/TƯ ngày 27/5/2013”, “Kết luận số 64-KL/TƯ ngày 28/5/2013” và thông qua dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 64- KL/TƯ.

TIN LIÊN QUAN

Hội nghị đã được nghe đồng chí Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo chuyên đề Kết luận số 63- KL/TƯ ngày 27/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương, về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.

Kết luận nêu rõ: Tiếp tục kiên trì và thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và định hướng cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã ghi trong Nghị quyết Hội nghị TƯ 7 khóa VIII và các Kết luận Hội nghị TƯ 8 khóa IX, Hội nghị TƯ 6 khóa X và Hội nghị TƯ 5 khóa XI. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong Ðảng, trong xã hội và có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương của khu vực sự nghiệp công lập phù hợp với kinh tế thị trường.
 
Quang cảnh ngày làm việc thứ 2 của hội nghị.
Quang cảnh ngày làm việc thứ 2 của hội nghị.


Về chính sách tiền lương: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp. Từ nay đến năm 2016, về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Ðánh giá, xem xét việc tổ chức các tổng cục, cục thuộc bộ, ngành trung ương để tinh gọn bộ máy... Từ nay đến năm 2016, cơ bản không tăng thêm biên chế (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới). Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tinh giản biên chế.

Về chính sách bảo hiểm xã hội: Nghiên cứu xây dựng Ðề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo các định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 1/6/2012 và Kết luận số 23-KL/TƯ, ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, trong đó nghiên cứu toàn diện các vấn đề liên quan đến việc đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội; quản lý đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Có lộ trình để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương của người tại chức.

Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Nghiên cứu cải cách chính sách ưu đãi người có công, sớm điều chỉnh mức chuẩn bảo đảm tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội để người có công có mức sống trung bình khá trong xã hội. Triển khai đồng bộ các chế độ ưu đãi khác đã được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng. Tổng kết, rà soát việc công nhận người có công.

Hội nghị cũng đã được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Quang- UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo chuyên đề: Kết luận số 64-KL/TƯ ngày 28/5/2013 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 64-KL/TƯ.

Về quan điểm, nội dung bản Kết luận chỉ rõ: Ðổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải bám sát, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm của Cương lĩnh, Ðiều lệ, Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng, đồng bộ với nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992; bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Ðổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế, phù hợp với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng trong điều kiện Ðảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ðổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
 
Về tổ chức bộ máy, không nhất thiết ở trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của trung ương, địa phương có thể lập (hoặc không lập) tổ chức sau khi được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền. Về biên chế, cần tăng cường kiêm nhiệm một số chức danh trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Ðổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.
 
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị cần thực hiện mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa đủ rõ thì khẩn trương nghiên cứu, làm thí điểm và tổng kết thực tiễn để làm rõ, có bước đi thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Những chủ trương đã thực hiện, nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi ngay.
 
Về mục tiêu, được xác định rõ trong Kết luận: Ðổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và có tiền lương, thu nhập bảo đảm cuộc sống…

Về dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Kết luận số 64-KL/TƯ. Kế hoạch nêu rõ: Đối với tổ chức Đảng, trong đó cơ quan lãnh đạo của Đảng: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 khóa X.

Cụ thể hóa quy định của TƯ bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng đoàn, ban cán sự đảng và cấp ủy đảng các cấp theo hướng thẩm quyền, trách nhiệm, mở rộng dân chủ, đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp và cấp ủy với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh và cấp ủy đảng các cấp có chất lượng.

Đối với chính quyền, cụ thể HĐND phải cơ bản giữ ổn định tổ chức bộ máy HĐND tỉnh, huyện, thành phố như quy định của Trung ương. Từng bước đảm bảo tính hiện đại, tính chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách, am hiểu sâu các lĩnh vực chuyên môn.

Với UBND: Thực hiện chủ trương của TƯ về tiếp tục đổi mới hoạt động của UBND các cấp theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, tinh gọn, hợp lý; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng buôn lỏng trên một số lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp tỉnh, huyện. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí quy định khung của Chính phủ, xem xét trình cấp có thẩm quyền cho phép thành lập cơ quan, tổ chức đặc thù phù hợp ở địa phương…



M.Toàn
 

.