Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi:
Vùng đất phát động Tổng khởi nghĩa

04:08, 19/08/2013
.

(QNg)- Những ngày này cách đây 68 năm, trong một buổi chiều lịch sử (14.8.1945), tại làng Thi Phổ Nhất, nay là thôn 1 và 2, xã Đức Tân (Mộ Đức), tiếng trống khởi nghĩa đã vang lên giục giã báo hiệu cuộc cách mạng “long trời lở đất” tại Quảng Ngãi đã bắt đầu…

TIN LIÊN QUAN

Những bước chân rầm rập như nước vỡ bờ của đội quân cách mạng đã khiến những tên tay sai của bọn phong kiến, phát xít phải tháo chạy, đầu hàng. Những đồn bốt địch nhanh chóng bị tiêu diệt. Chỉ trong một thời gian ngắn chính quyền tay sai tan rã và từ Thi Phổ Nhất phong trào lan rộng ra khắp các thôn, xã khác trên địa bàn toàn tỉnh. Khí thế quật cường ấy giờ đây tiếp tục được phát huy để quân và dân xã Đức Tân ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

Nơi khởi đầu Tổng khởi nghĩa

Trong những năm đầu của thế kỷ XX, vùng đất “địa linh nhân kiệt” này đã phải chịu nhiều sự đàn áp, thống trị của thực dân đế quốc. Không cam chịu kiếp sống nô lệ, những người nông dân lam lũ đã vùng dậy đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban khởi nghĩa lâm thời huyện Mộ Đức, do đồng chí Phạm Quang Lược làm chủ tịch, hàng nghìn quần chúng vũ trang đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Trong cuộc tổng khởi nghĩa, Đức Tân là nơi đóng trụ sở của các cơ quan Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ và là nơi phát lệnh tổng khởi nghĩa đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Nơi chứng kiến thời khắc lịch sử phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi.  			   							                        Ảnh: THIÊN -ĐỨC
Nơi chứng kiến thời khắc lịch sử phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi. Ảnh: THIÊN -ĐỨC


 Theo lịch sử Đảng bộ xã Đức Tân: Vào lúc 16 giờ, ngày 14.8.1945, tại làng Thi Phổ Nhất, tiếng trống, kèn thúc giục vang lên báo hiệu cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám -1945 tại Quảng Ngãi đã bắt đầu. Từ đó, làn sóng khởi nghĩa lan rộng ra các địa phương khác với khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc pháp, tiêu diệt phát xít Nhật. Việt Nam độc lập muôn năm...”.
 

 Xã Đức Tân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2003. Trên địa bàn xã có 217 gia đình thương binh, liệt sĩ, 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Những tháng năm sau đó, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân và dân Đức Tân kiên trì bám trụ và đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng, quyết tâm giành độc lập. Ngôi nhà của ông Hồ Thiết (hiện giờ do người cháu là anh Bùi Thanh Trung trông nom, hương khói) ở đội 4, thôn 1, xã Đức Tân- nơi diễn ra cuộc họp bí mật phát lệnh khởi nghĩa, những vết tích xưa cũ giờ đã rêu mờ theo thời gian. Nhưng ký ức, hào khí và truyền thống cách mạng oai hùng vẫn luôn sục sôi trong trái tim bao thế hệ con em Đức Tân hôm nay.

Trên mảnh đất này, dù ở thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào người dân vẫn luôn kiên trung một lòng theo Đảng, theo tiếng gọi của non sông đất nước. Vùng đất anh hùng ghi đậm những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, là một trong những chiếc nôi cách mạng, nơi có tổ chức Đảng ra đời sớm, nơi nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cách mạng trong suốt những chặng đường gian khổ.

Tương lai đang rộng mở

Vùng đất anh hùng này đã sinh ra những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có Bác Phạm Văn Đồng- một người hết lòng vì dân, vì nước. Nhân dân Đức Tân tự hào được sinh ra và lớn lên từ cái nôi cách mạng này. Ý chí quật cường, tiên phong của cha ông đã trở thành động lực to lớn để con cháu hôm nay không ngừng vươn lên.

Giờ đây, đi khắp các làng quê nơi khởi đầu cuộc cách mạng 68 năm về trước, những con đường bê tông rộng thoáng cứ chạy dài theo thôn xóm. Những đồng lúa chín vàng cùng những ngôi nhà xây khang trang cho thấy đời sống người dân ấm no từng ngày. Toàn xã có gần 2.000 hộ dân, với 8.055 khẩu. Ngành kinh tế chính là nông nghiệp. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn có cuộc sống ngày càng sung túc.

 

 Giao thông nông thôn ở Đức Tân đã được bê tông và mở rộng.
Giao thông nông thôn ở Đức Tân đã được bê tông và mở rộng.



Ông Lê Đức Thiết – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, địa phương là một trong những xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Với 10 tiêu chí đã đạt được góp phần làm cho bộ mặt địa phương ngày càng khởi sắc, người dân phấn khởi, đoàn kết thực hiện các chủ trương, chính sách một cách tích cực.  Cơ sở hạ tầng cho sự phát triển được quan tâm đầu tư. Trong đó giao thông, thủy lợi, giáo dục… được đầu tư mạnh mẽ. Hai cấp học phổ thông của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Phấn đấu đến năm 2015 trở thành một xã nông thôn mới toàn diện.

Có một điều mà người dân nơi đây cũng rất tự hào là, trong kỳ thi đại học vừa qua, cả tỉnh có 4 học sinh đỗ thủ khoa, thì riêng xã Đức Tân đã có 2 em. Điều đó cho thấy hậu sinh của vùng đất cách mạng này đang quyết chí học tập để  tiếp bước thế hệ cha ông góp phần xây dựng quê hương, đất nước.


X.THIÊN-L.ĐỨC  
 


.