Sẵn sàng tâm thế cho lấy phiếu tín nhiệm

08:06, 09/06/2013
.

Tiêu chí quan trọng nhất để xem xét, đánh giá tín nhiệm là mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người giữ trọng trách được giao

Thực hiện nghị quyết 35/2012 của Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội nước ta tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn diễn ra tại kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa 13 này vào thứ 2 ngày 10/6. Cùng với tài liệu gửi đến các đại biểu, nhiều ý kiến cho rằng cử tri cũng là một kênh thông tin hết sức quan trọng. Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn tất, các đại biểu cũng sẵn sàng tâm thế lấy phiếu tín nhiệm theo nghị quyết 35 của Quốc hội.

Để chuẩn bị cho công việc hệ trọng này, ngay từ 10 ngày trước khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc, Quốc hội đã chuyển tài liệu về các lãnh đạo trong diện lấy phiếu tín nhiệm đến với các đại biểu. Các đại biểu Quốc hội đánh giá khâu chuẩn bị tài liệu cho lấy phiếu tín nhiệm được làm sớm, đảm bảo thời gian cho đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng về các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
 


Đại biểu Trịnh Đình Thạch, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Trước kỳ họp các đại biểu được cung cấp đầy đủ các tài liệu của các vị đại biểu được quốc hội bầu phê chuẩn. Đến thời điểm này trước khi diễn ra phiên họp lấy phiếu tín nhiệm mọi công tác chuẩn bị rất tốt, rất chu đáo. Các đại biểu đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Đây vừa là thực hiện nghị quyết của Quốc hội đồng thời cũng đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước. Lần này cũng là lần đầu tiên các đại biểu cũng đang chuẩn bị tâm thế rất là kỹ lưỡng và có thể nói khi lấy phiếu tín nhiệm hiệu quả chắc chắn là cao, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra”.

Trong số các báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội, có bản kiểm điểm cụ thể chi tiết của từng vị lãnh đạo, về những việc đã làm được và chưa làm được trên cương vị. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết để đánh giá mức độ tín nhiệm, ngoài kênh thông tin này, đại biểu còn dựa trên hiệu quả công việc của các chức danh lấy tín nhiệm:

 “Các chức danh mà lấy phiếu tín nhiệm cụ thể như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng rồi Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng… đã làm bản kiểm điểm rất nghiêm túc, thể hiện được những gì mình làm được, những gì mình chưa làm được. Phải nói rất là nghiêm túc. Điều đó có thể cho đại biểu Quốc hội thêm thông tin và riêng đại biểu Quốc hội ngoài việc đọc cũng phải tự mình kiểm tra kiểm soát lại xem những hoạt động của các vị đó trong thời gian vừa qua hiệu quả như thế nào để có chính kiến quyết định trong đánh giá tín nhiệm.”

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đoàn Thái Nguyên cho rằng ngay cả ý kiến đóng góp từ các đoàn đại biểu trong các phiên thảo luận tại Quốc hội cũng là một kênh để đại biểu tham khảo thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm. Hoặc khi các vị lãnh đạo này giải trình trách nhiệm trước những vấn đề xảy ra trong lĩnh vực được giao. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là kênh tiếp thu ý kiến, đánh giá của cử tri: “Tôi cho rằng phải kết hợp cả 4 yếu tố thứ nhất là báo cáo tự đánh giá của người được lấy phiếu tín nhiệm, thứ 2 là ý kiến đánh giá của các cơ quan có liên quan, thứ 3 là ý kiến đánh giá của cử tri nhân dân, thứ 4 là sự đầu tư nghiên cứu, rồi thái độ khách quan, công bằng bản lĩnh của người đại biểu quốc hội. Nếu kết hợp cả 4 yếu tố này thì việc lấy phiếu tín nhiệm từng bước sẽ đạt kết quả như mong muốn.”

Đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng, đợt bỏ phiếu này là dịp để đại biểu Quốc hội cụ thể hóa sự giám sát của mình với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, tiêu chí quan trọng nhất để xem xét, đánh giá tín nhiệm là mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người giữ trọng trách được giao. Bên cạnh đó đạo đức, phẩm chất; tác phong có sâu sát với nhân dân hay không, có lắng nghe và chủ động giải quyết những kiến nghị của cử tri hay không. Đại biểu Bùi Thị An đoàn đại biểu thành phố Hà Nội chia sẻ: “Về mặt thông tin, chúng tôi đã nhận được các bản kiểm điểm của những đồng chí trong diện Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm phê chuẩn bỏ phiếu khá lâu. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, với tư cách một đại biểu Quốc hội chúng tôi có thể lấy thông tin qua rất nhiều kênh khác nhau như trên báo chí và đặc biệt là qua tiếp xúc cử tri. Tâm thế của đại biểu Quốc hội nói chung là chủ động. Có điều bây giờ là làm sao thể hiện quyền năng giám sát đúng, hiệu quả thì đấy là vấn đề phải đặt ra. Chúng tôi cũng nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội đều có bản lĩnh, có suy nghĩ vững vàng.”

Với nhiều đại biểu Quốc hội, đây là dịp để đại biểu thể hiện trách nhiệm cao của người đại biểu dân cử. Quan trọng là mỗi đại biểu phải ý thức được rõ mục đích của đợt lấy phiếu tín nhiệm này, thể hiện quyết tâm của Đảng ta xây dựng bộ máy nhà nước thật sự trong sạch vững mạnh là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Lá phiếu của đại biểu thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân và cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thái Học đoàn Phú Yên nói: “Đại biểu chúng tôi cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình khi cầm lá phiếu để bỏ phiếu tín nhiệm cho các thành viên của Quốc hội cũng như chính phủ lần này. Các đại biểu Quốc hội chúng tôi đã được cung cấp các báo cáo của các nhân sự có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như kết hợp với quá trình theo dõi, hoạt động của các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm thể hiện trong công việc trong lãnh đạo điều hành. Quốc hội đã cung cấp những thông tin tương đối đầy đủ. Nhưng cái quan trọng là sự chuẩn bị của mỗi một đại biểu về tinh thần, về ý thức để bước vào việc bỏ phiếu để việc bỏ phiếu thể hiện sự trung thực trong đánh giá mà không phải là hình thức. Đến bây giờ các đại biểu đã sẵn sàng các điều kiện để bước vào việc bỏ phiếu”.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lá phiếu gửi đại biểu sẽ phân nhóm các chức danh được lấy phiếu. Ví dụ, nhóm lãnh đạo cấp cao (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng), nhóm các bộ trưởng, nhóm các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội để các đại biểu thuận lợi trong việc đánh giá. Công việc chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm đến nay đã hoàn tất, đảm bảo tính khách quan và cho đến nay Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa nhận được đơn thư khiếu nại tố cáo nào liên quan đến các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Chủ nhiệm Ủy ban văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Có ban kiểm phiếu, đầy đủ các đại biểu các tỉnh các ngành, sẽ làm rất khách quan. Còn công tác chuẩn bị sẽ hoàn thành tốt nhất theo quy định ví dụ như thiết kế mẫu phiếu, rồi chuẩn bị danh sách của ban kiểm phiếu, rồi chuẩn bị các báo cáo. Tất cả các bước đã chuẩn bị đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc này. Chắc chắn là quá trình làm phải rút kinh nghiệm nữa nhưng tôi tin rằng lần sau làm sẽ tốt hơn.”

Theo chương trình làm việc, việc lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu diễn ra vào chiều 10/6, sau khi chốt danh sách những người được lấy phiếu. Sáng 11/6, kết quả kiểm phiếu và nghị quyết xác nhận kết quả này sẽ được thông qua và công bố đến đông đảo cử tri cả nước./.



Đặng Linh- Nguyên Nhung/VOV


.