Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Thái Lan

07:06, 20/06/2013
.

Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu, bao gồm các quan chức cấp cao của Thái Lan, đại diện ngoại giao các nước tại Thái Lan.

Ngày 20/6, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế Thái Lan (ISIS) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á -Ấn Độ (CASS) đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề "Đoàn kết ASEAN và những thách thức hàng hải ở Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu, bao gồm các quan chức cấp cao của Thái Lan, đại diện ngoại giao các nước tại Thái Lan. Nhiều học giả nổi tiếng của Thái Lan, Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ… đã trình bày tham luận tại hội thảo này. Hội thảo cũng thu hút nhiều phóng viên Thái Lan, khu vực và quốc tế đến dự đưa tin.


Phát biểu khai mạc hội thảo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromia cho rằng, chính phủ các nước và các tổ chức hữu quan cần tích cực tìm kiếm sáng kiến, hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết những thách thức trong đó có vấn đề Biển Đông.

Với nội dung đa dạng, phong phú, tham luận của các diễn giả tại hội thảo nêu rõ: Biển Đông kết nối Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương với các khu vực khác trên thế giới. Tuyến đường thương mại sống còn qua Biển Đông đã phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là trách nhiệm chính trị và lợi ích chiến lược của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp, đảm bảo an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và tăng cường hợp tác về hàng hải ở Biển Đông.



Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng cho rằng Biển Đông là một vấn đề lâu dài và phức tạp. Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể được giải quyết nếu không có sự thật, lòng tin, lợi ích đa phương và luật pháp quốc tế. Những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây đã tạo ra những thách thức cho vai trò trung tâm và sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN.

Trong bài tham luận nhan đề "Những thách thức về an ninh hàng hải ở Biển Đông", Tiến sỹ Võ Xuân Vinh ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn về hàng hải ở Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các nước có lợi ích liên quan.


Tiến sỹ Võ Xuân Vinh nhấn mạnh: “Giải pháp cho vấn đề biển Đông là tất cả các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước liên quan cần tích cực hợp tác và làm việc hướng tới một giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002; phương hướng thực hiện DOC 2011; nguyên tắc 06 điểm của ASEAN về Biển Đông 2012; Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ra đời DOC năm 2012. Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý cần được sớm trở thành hiện thực vì lợi ích và ổn định của cả ASEAN, Trung Quốc và các nước khác”.

Tranh chấp ở Biển Đông đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ của tất cả các bên liên quan cũng như của cộng đồng quốc tế. Các bên hữu quan cần cam kết giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình; cố gắng kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; duy trì tiến trình đàm phán; làm rõ những tuyên bố về chủ quyền biển; kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp tình hình; đồng thời tăng cường đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việc sớm hoàn tất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) kèm theo việc xây dựng các biện pháp đồng thuận giữa các bên tranh chấp sẽ góp phần kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương./.
 

 


Theo Xuân Sơn +Tống Sơn/VOV


.