Tiếng sấm Điện Biên Phủ

09:05, 07/05/2013
.

* Võ Văn Hào


(QNg)- Cách đây vừa tròn 59 năm, từ miền Tây Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta – chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2013).

TIN LIÊN QUAN


Giá trị lịch sử của thiên sử vàng Điện Biên Phủ thật xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, làm thức tỉnh các dân tộc đấu tranh giành độc lập, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ sau hơn 400 năm tồn tại trên thế giới.    
    

Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L


Quả thật, cho đến trước chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chủ yếu vẫn mang tính chất tự phát, riêng rẽ từng nước, từng châu lục. Kể từ khi “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” rền vang đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của các dân tộc thuộc địa vùng lên đạp đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Cùng với Việt Nam, sau chiến thắng Điện Biên Phủ hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia đều thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp (1954), Malaysia tuyên bố độc lập (1957)… Châu Phi vốn được xem là “lục địa đen” bởi chính sách bóc lột thuộc địa của chủ nghĩa tư bản phương Tây,  “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” đã thay đổi dòng chảy lịch sử, thôi thúc nhân dân châu Phi vùng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, đòi lại quyền sống cho mình.

Đầu tiên là Angiêri-đất nước vùng Bắc Phi xa xôi theo gương Điện Biên Phủ-Việt Nam đã đấu tranh giành được ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc mình sau 132 năm bị chủ nghĩa thực dân đè nén, áp bức (1830-1962). Cùng với Angiêri, “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” kéo theo một loạt nước Châu Phi từ Marốc, Xuđăng, Gana, Ghinê, Mađagaxca, Camơrun đến Công gô, Nigiêria... đều bật dậy như sóng vỡ bờ, phá tung xiềng xích nô lệ, buộc thực dân Pháp phải trao trả nền độc lập. Nếu như trước khi diễn ra sự kiện Điện Biên Phủ, châu Phi chỉ có một số nước với diện tích 720 ngàn km2 và 18 triệu dân thoát khỏi xiềng xích nô lệ, thì năm 1959 con số đó đã là 27 triệu km2  và gần 40 triệu dân. Đặc biệt, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Nếu như trước chiến tranh thế giới thứ hai, “lục địa đen” chỉ có hai nước Êtiôpia và Libêria được trao trả độc lập trên danh nghĩa, thì đến năm 1968, châu lục này có tới 39 nước, tức là bằng 85% lãnh thổ và 93% dân số toàn châu lục đã giành được độc lập.  

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet


Tinh thần Điện Biên Phủ, âm vang của “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” vượt qua không gian, thời gian, không chỉ là “mồi thuốc dẫn” cho sự bùng nổ của phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi mà lan tỏa đến tất cả các châu lục, mạnh mẽ và vô cùng quyết liệt. Mỹ Latinh, châu lục suốt hàng trăm năm rên siết dưới gót giày của chế độ thực dân, “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” đã đánh thức để châu lục này “bùng cháy”. Một loạt nước châu Mỹ Latinh như Bôlivia, Vênêxuêla, Côlômbia, Pêru… đã lật đổ chính quyền độc tài phản động, thành lập các chính phủ dân tộc, dân chủ, giành lại quyền tự quyết dân tộc.       
 
 Lịch sử nhân loại đã đi qua gần 6 thập kỷ kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thế giới đã có nhiều đổi thay. Nhưng ánh hào quang của “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” vẫn mãi tỏa sáng chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, nhưng đoàn kết chặt chẽ, biết vũ trang toàn dân, được nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ thì có thể đánh thắng bất kỳ kẻ thù xâm lược nào dù chúng từ đâu đến, dù chúng mạnh hơn mình gấp bội. Tính thời sự nóng hổi của chân lý đó càng có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc hiện nay./.

 


.