Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá: Những vấn đề đặt ra

08:03, 08/03/2013
.

(QNg)- Năm 2012, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (TDĐKXDĐSVH) ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tỉnh (BCĐ tỉnh) ký quyết định công nhận 1.635 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn văn hoá (1.635/1.981, đạt 82,5%). Kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp Công đoàn, BCĐ tỉnh trong năm đầu đảm nhận công việc này.

Sau khi tiếp nhận các văn bản chỉ đạo của ngành cấp trên, LĐLĐ tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp, làm việc với các sở, ngành và UBND tỉnh. Phong trào đã nhận sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào được triển khai cùng với các hoạt động của các cấp Công đoàn, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, thực hiện tốt quy chế văn minh công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, thúc đẩy hoạt động văn hoá, thể thao trong CNVCLĐ phát triển.

LĐLĐ tỉnh kiểm tra việc triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá tại huyện Mộ Đức.                                                                                                     Ảnh: Quang Tuyến
LĐLĐ tỉnh kiểm tra việc triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá tại huyện Mộ Đức. Ảnh: Quang Tuyến

Hiệu quả đem lại từ phong trào này đã làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần cho CNVCLĐ, nâng cao ý thức xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá, cùng toàn dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Có thể nói, phong trào do tổ chức công đoàn chủ trì trong năm đầu tiên đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề tích cực cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập khi triển khai như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa có chương trình tổng thể thực hiện Quyết định số 1610/QĐ-TTg và Quyết định 1780/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; việc cụ thể các tiêu chuẩn xét công nhận cho phù hợp với tình hình địa phương chưa kịp thời bổ sung; cán bộ làm công tác này chưa được tập huấn về nghiệp vụ; thiếu biên chế, kinh phí hoạt động và nhất là số liệu thống kê chưa thống nhất, chồng chéo, bỏ sót nên khi đề ra mục tiêu cho từng năm chưa sát đúng...

Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đạt mục tiêu mà Chương trình Chính phủ đề ra cần làm tốt hơn những việc sau: Trước hết là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền và vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của BCĐ tỉnh.

Gắn thực hiện phong trào với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cùng với đó là gắn kết và phát huy vai trò của phong trào với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bổ sung tiêu chí phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng khu vực, ngành, doanh nghiệp. Huy động và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội hoá để nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho CNVCLĐ. Thống nhất về số liệu để từ đó đề ra chỉ tiêu phù hợp cho từng năm.

Thực hiện các nội dung trên cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp công đoàn, của BCĐ tỉnh và sự phối hợp của các ngành liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về hiệu quả của phong trào đối với hoạt động của đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở, đưa phong trào đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là đến năm 2015, có 95% cơ quan đạt chuẩn văn hoá.

Thái Khiêm

 


.