Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Nhân dân đồng tình cao

01:03, 13/03/2013
.

(QNg)- Được góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các tầng lớp nhân dân ở tỉnh ta bày tỏ niềm phấn khởi và đồng tình cao đối với những sửa đổi, bổ sung mang tính đổi mới toàn diện nêu trong dự thảo.

TIN LIÊN QUAN
Cùng với cả nước, các tầng lớp nhân dân ở tỉnh ta đã và đang tham gia đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rộng lớn, quan trọng, đó là góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết góp ý dự thảo với mong muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

 Theo Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tính đến ngày 11/3 Tổ đã nhận được 311 bảng báo cáo tổng hợp với trên 1.401 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng quy định của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân.                                                                ẢÛnh: M.Thắng
Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. ẢÛnh: M.Thắng


Ông Nguyễn Mạnh Thắng-Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo của tỉnh, cho biết: Để đảm bảo thời gian gởi báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho Trung ương (vào ngày 15/3), các thành viên trong tổ đã tập trung cao sức lực. Các ý kiến góp ý được tập hợp đầy đủ và chuẩn xác.

Qua tổng hợp các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Đa số ý kiến góp ý thống nhất cao với nội dung nêu trong dự thảo và cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự thay đổi toàn diện về nội dung và hình thức, kỹ thuật lập hiến, thể hiện nhận thức và sự phát triển trong công tác lập hiến của nước ta. Đặc biệt là ghi nhận và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người, cải cách bộ máy nhà nước, phát huy tự do dân chủ, chủ động hội nhập với xu thế tiến bộ của thế giới.

Nhiều ý kiến phân tích, làm rõ và nhấn mạnh về tầm quan trọng của một số điều trong dự thảo. Một số ý kiến đề nghị cần chỉnh sửa ở một số điều, khoản, nhất là về mặt câu chữ để hiến pháp được hoàn thiện hơn. Phần lớn các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm đến các chương về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Đặc biệt, hầu hết ý kiến thống nhất cao với Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các ý kiến cho rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu lịch sử đã được khẳng định.

Để tất cả người dân được tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm, chính kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định thời gian tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân kéo dài đến ngày 30/9/2013. Theo đó, các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến từng hộ gia đình để người dân tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


                         PHƯƠNG LÝ

 


.