Hội nghị toàn quốc:
Triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

01:01, 08/01/2013
.

(QNĐT)- Sáng 8/1, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng-Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị.  

TIN LIÊN QUAN


Tại điểm cầu Quảng Ngãi, tham gia hội nghị trực tuyến có đồng chí Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Cao Phúc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; tập hợp ý kiến đầy đủ, chính xác; đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu và đúng tiến độ. Tại hội nghị này các đại biểu cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đạt kết quả cao.

 

Quang cảnh buổi hội nghị trực tuyến bên đầu cầu Quảng Ngãi
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Ngãi

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo bao gồm lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc, bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gởi đến các cơ quan tổ chức theo quy định; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm hoặc thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
 
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương, các cơ quan Nhà nước ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc VN, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị cũng đã thông qua Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp; kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân và công tác tư tưởng, tuyên truyền trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh, thành đã báo cáo kế hoạch việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh-Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 yêu cầu các tỉnh, thành khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên tinh thần  nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ.
                      

 

Tin, ảnh: Ngọc Đức
 


.