Thường vụ Quốc hội bàn về danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng

03:10, 18/10/2012
.

Đa số ý kiến tán thành tờ trình của Chính phủ khi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Sáng 18/10, phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự phiên họp.

Các nội dung của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã; tổ chức liên minh hợp tác xã; Quy định hợp tác xã được thành lập công ty.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, một số đại biểu đề nghị cần thực hiện như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hợp tác xã có thu nhập, tạo việc làm, mang lại lợi ích cho thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của hợp tác xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Phan Trung Lý nêu ý kiến: “Hợp tác xã phải mang tư cách pháp nhân riêng, chứ không phải nằm trong doanh nghiệp. Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp. Tuy nhiên các chính sách ưu đãi hợp tác xã cũng được hưởng như doanh nghiệp, vì đây không phải là tập thể bình thường như doanh nghiệp…”

Về góp vốn tối đa các thành viên Hợp tác xã, hầu hết các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định tỷ lệ vốn góp của mỗi thành viên không quá 20% vốn điều lệ hợp tác xã như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ vốn góp lên cao hơn (từ 30% hoặc 50%) để phát huy khả năng huy động vốn của hợp tác xã.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, hai vấn đề được các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là phí điều tiết hoạt động điện lực và cơ quan điều tiết hoạt động điện lực.

Theo tờ trình của Chính phủ, cần bổ sung phí điều tiết hoạt động điện lực vào Danh mục phí và lệ phí của Pháp lệnh phí và lệ phí. Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ khi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh người được nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là người có 2 con trở lên là liệt sỹ; có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh hoặc bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; hoặc có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”.

Tại Điều 4 bổ sung các chế độ ưu đãi, tôn vinh đối với "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" như được ghi tên trong lịch sử truyền thống ở từng địa phương; Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được tổ chức lễ tang trang trọng; kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng, tổ chức lễ tang do Nhà nước bảo đảm.

Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013./.

 

Theo Huy Nam/VOV


.