Tây Nguyên trên đường phát triển

03:07, 19/07/2012
.

(QNĐT)- Trong hơn 10 năm qua, Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ vùng Tây Nguyên. Trong đó đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, đầu tư nhiều nguồn lực giúp các tỉnh Tây Nguyên xây dựng kết cấu hạ tầng , phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Về đầu tư và phát triển kinh tế

 Vùng Tây Nguyên liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và chuyển dịch kinh tế cơ cấu đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người so với cả nước được thu hẹp khoảng cách khá nhanh. Nông nghiệp phát triển theo hướng mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc bước đầu bước đầu phát huy thế mạnh. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, hoàn thành trồng mới 100 nghìn héc-ta cao su; tỉ lệ che phủ rừng trên 54%, việc bảo vệ tài nguyên và môi trường được chú trọng.

Mô hình trồng rừng cao su phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên (ảnh KT)
Mô hình trồng rừng cao su phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế lớn tại các tỉnh Tây Nguyên - Ảnh Intetnet


Sản xuất công nghiệp thay đổi lớn cả quy mô lẫn chất lượng với hàng trăm xí nghiệp và nhiều nhà máy thủy điện, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 18%, giá trị sản xuất công nghiệp hiện nay tăng hơn bốn lần so với năm 2001. Dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và thương mại, du lịch đều tăng nhanh; công tác cung ứng hàng hóa cho dân cư vùng sâu, vùng xa có nhiều tiến bộ. Hoạt động xuất nhập khẩu từng bước mở rộng thị trường, doanh thu xã hội từ du lịch tăng bình quân 15%/ năm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được quan tâm đầu tư và có bước phát triển đáng kể, với hệ thống đường sá rộng khắp; về thủy lợi, đã xây dựng, tu bổ 1.560 công  trình hồ chứa, đập dâng và hệ thống kênh mương, nâng năng lực tưới lên gấp 3 lần so với năm 2001. Đến nay đã nâng cấp 2 đô thị loại 1, thành lập 2 thành phố, 4 thị xã; từng bước hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông, hoàn chỉnh lưới điện và hệ thống cấp nước ở các  thành phố và thị xã

Thành quả về thực hiện chính sách dân tộc, văn hóa- xã hội

Trong hơn 10 năm qua, Đảng và Chính phủ đã dành một nguồn lực khá lớn từ chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tổ chức lại sản xuất, đạt trên 87% số hộ trong vùng.

Các chương trình 132, 134 có ý nghĩa về kinh tế, xã hội sâu sắc được triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay giải quyết được 639 ha đất ở cho 15.470 hộ và 29.200 ha đất sản xuất cho 56 nghìn hộ.

Riêng chương trình 134 đã làm mới và sữa chữa 58.249 căn nhà, cấp nước sinh hoạt cho 78 nghìn hộ, giải quyết 5.726 ha đất sản xuất cho 16.930 hộ. Đồng thời thí điểm giao 116.470 ha rừng cho 7.320 hộ thiếu đất sản xuất.

Công tác giảm nghèo đã được cả hệ thống chính trị tập trung tổ chức thực hiện liên tục, rộng khắp nên đã đạt được những kết quả rất quan trọng; hiện nay số hộ nghèo trong toàn vùng còn khoảng 19,06%. Riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã lồng ghép nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Nhiều địa phương, đơn vị, đoàn thể tham gia tổ chức tốt phong trào ngày vì người nghèo, huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội, giúp đỡ những gia đình nghèo. Đã có nhiều phong trào, mô hình mới, đạt hiệu quả khá cao như: mô hình chăn nuôi hộ gia đình, mô hình liên kết với doanh nghiệp; thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào các nông lâm trường, cho vay vốn hỗ trợ lãi suất trồng cao su tiểu điền; đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ...

Nhờ đó, mỗi năm vùng dân tộc thiểu số giảm được từ 4,6% đến 4,8% hộ nghèo. Chất lượng giảm nghèo được nâng lên từng bước, nhất là đã giải quyết vấn đề đất đai, cải thiện nhà ở và đời sống văn hóa tinh thần để góp phần giảm nghèo bền vững.

Đến nay, đã phát triển mạnh hệ thống giáo dục- đào tạo; thành lập mới và mở rộng nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và nuôi dạy trẻ khuyết tật; đội ngũ giáo viên tăng nhanh, cơ sở vật chất được đầu tư khá cơ bản.

Toàn vùng hiện có 99,35% số xã phường đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 16,9% số trường học đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt trên 71%. Có 53 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng và nâng cấp, cả 5 tỉnh đều có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh , sinh viên dân tộc thiểu số với khả năng cao nhất.

 Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Tây Nguyên có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất của ngành y tế tăng gấp 3 lần, hình thành hệ thống cơ sở y tế rộng khắp với 100% số xã , phường, thị trấn có trạm y tế. Đội ngũ cán bộ y tế dược tăng cường, số nhân viên y tế thôn, buôn không ngừng tăng lên, trên 96% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.

Đến nay, đã có 66,25% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Riêng trong vùng dân tộc thiểu số, tỉ lệ trẻ em được tiêm chủng, số phụ nữ đến sinh tại trạm y tế ngày càng tăng. Các dịch bênh như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả... đã được khống chế. Công tác chữa bệnh miễn phí theo chủ trương của Chính phủ đã được quan tâm, chú trọng và cải tiến về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.

Nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng, bảo tồn, phát huy, kế thừa có chọn lọc những giá trị tiêu biểu, loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh. Hiện nay đã xây dựng, đua vào sử dụng  1.353 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 773 nhà rông văn hóa. Các Đài phát thanh, truyền hình địa phương duy trì ổn định, có bước phát triển đáng kể với thời lượng phát sóng khá lớn về các nội dung, chương trình tiếng kinh và nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số: Ê-đê, Ba -na, Gia- rai, Xơ- đăng, Co- ho, Mơ -nông.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả việc cấp phát một số loại báo, tạp chí, tặng máy thu hình, thu thanh cho đồng bào các buôn làng. Nhà nước và các địa phương đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian; phục hồi và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng; khuyến khích bảo tồn các buôn làng cổ truyền của đồng bào và khôi phục các lễ hội văn hóa đặc sắc...


Tuấn Anh
 


.