Đức Phổ: Trao trả hồ sơ, kỉ vật cán bộ đi B giai đoạn 1955 - 1975

07:07, 12/07/2012
.

(QNg)- Sau hơn 30 năm giải phóng, 349 cán bộ đi B, thân nhân cán bộ đi B huyện Đức Phổ đã xúc động nhận lại những hồ sơ, kỉ vật thiêng liêng của chính bản thân và thân nhân mình từ tay các đồng chí lãnh đạo huyện. Kỉ niệm về một thời chiến đấu anh dũng, những mất mát đau thương trong chiến tranh đối với họ vẫn nguyên vẹn trong từng nét chữ, tài liệu.
 

TIN LIÊN QUAN

Đưa tay mân mê tập hồ sơ của người cha chồng quá cố để lại, chị Võ Thị Hựu ở thôn Hải Môn, xã Phổ Minh không ngăn được dòng nước mắt. Bởi qua kỉ vật này chị càng cảm phục hơn tinh thần quả cảm của cha, truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình. Hồ sơ, kỉ vật của người cha sống hiền lành, mẫu mực ngày nào giờ đây trở thành tài sản vô cùng quý giá đối với chị. Đưa tay ngăn dòng lệ, Chị Hựu nói: "Tôi sẽ cố gắng gìn giữ kỉ vật này, truyền đạt lại cho các con để chúng biết được những cống hiến, hy sinh của  ông nội, để chúng nỗ lực phấn đấu cho bản thân sau này. Riêng đối với tôi, kỉ vật này cũng sẽ là điểm tựa cho tôi sống và nuôi dạy các con thành người công dân tốt, có ích cho xã hội".

 

Lãnh đạo huyện Đức Phổ trao trả hồ sơ cho cán bộ và thân nhân cán bộ đi B.
Lãnh đạo huyện Đức Phổ trao trả hồ sơ cho cán bộ và thân nhân cán bộ đi B.


Còn đối với ông Hồ Minh Điền, ở thôn Phú Long xã Phổ Khánh thì nhận kỉ vật của người dượng để lại là niềm vinh dự và là niềm biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Hữu Dục (dượng ông Điền) là cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954 trở vào miền Nam chiến đấu, công tác năm 1964. Dượng ông đã qua đời nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách. Ông Điền cho biết:  "Bên cạnh giá trị về mặt tinh thần, những thông tin hồ sơ, kỉ vật này cũng sẽ là cơ sở pháp lý để các gia đình được giải quyết các chế độ chính sách cho dượng ông theo quy định".

 Tận mắt nhìn thấy những hồ sơ, kỉ vật thiêng liêng của bản thân sau hơn 30 năm, ông Phạm Thìn (85 tuổi), ở thôn An Thạch, xã Phổ An xúc động nói: Ngày đó lúc gửi lại hồ sơ cho ban thống nhất trung ương, tôi đâu nghĩ rằng hôm nay, sau hơn 30 năm lại được nhận lại nguyên vẹn các tư trang, tài lệu của bản thân. Kỉû niệm về một thời tuổi trẻ, những khát vọng sống, cống hiến vẫn như in trong tâm trí tôi như thể vừa xảy ra hôm qua.

Ông Nguyễn Tấn Hiệp (76 tuổi), hiện là Chủ tịch Hội NCT xã Phổ Minh thì việc có được hồ sơ, kỉ vật của mình cách đây hơn 30 năm là niềm vinh dự lớn cho bản thân và gia đình. Ông Hiệp cho biết: Phát huy truyền thống vẻ vang đó, bản thân ông nguyện sống, cống hiến hết sức mình vì lợi ích nhân dân; đồng thời tham gia giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trong đợt trao trả hồ sơ, kỉ  vật cán bộ đi B giai đoạn 1955-1975 lần này, Đức Phổ là huyện có số lượng hồ sơ nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh (với 1.098 hồ sơ). Thời gian qua,  các phòng, ban chức năng và chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát nắm bắt thông tin ngay từ cơ sở nên đã thu thập được thông tin của 363 trường hợp cán bộ và thân nhân cán bộ đi B. Trong đó đã có 15 trường hợp đã nhận lại hồ sơ, kỉ vật tại tỉnh; còn lại 349 hồ sơ, kỉ vật được trao trả trực tiếp tại huyện.

Việc trao trả hồ sơ, kỉ vật cho cán bộ đi B giai đoạn  1955-1975  là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cung cấp những thông tin cần thiết, tạo điều kiện cho những người có công với cách mạng được giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước; đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là thanh thiếu nhi trong huyện.  


   Bài, ảnh: Hồng Sen
 


.