Báo chí tiếp sức ngư dân bám biển

06:06, 20/06/2012
.

(QNg)- Ở Quảng Ngãi, báo chí đã trở thành cầu nối hết sức quan trọng là kênh thông tin giúp ngư dân khi đánh bắt ngoài biển xa.

CÙNG NGƯ DÂN BÁM BIỂN

Ở Quảng Ngãi, 37.000 ngư dân vươn ra đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt của ngư dân ngoài biển khơi không đơn thuần chỉ là khai thác hải sản, mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền  biển đảo của Việt Nam. Và, câu chuyện "nóng" từng ngày ở Quảng Ngãi luôn đến từ những con tàu vươn ra khơi xa này.

 

Phóng viên báo chí đón ngư dân ở Hoàng Sa trở về.
Phóng viên báo chí đón ngư dân ở Hoàng Sa trở về.


Thông tin về ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa mang tính thời sự nên thu hút cánh báo chí. Đến thăm ngư dân, phóng viên sẽ được nghe những câu chuyện hay. Câu chuyện có nhiều tình tiết đến mức, nhà báo có thể tưởng tượng mình đã đặt chân đến Hoàng Sa thân yêu.

Khi có sự vụ xảy ra trên biển, vợ các ngư dân trong đất liền lại hớt hải chạy ngược chạy xuôi để báo cáo với ủy ban nhân dân xã và các đồn trạm biên phòng. Ngoài nhà chức trách, vợ các ngư dân thường tìm các nhà báo. "Nhờ nhà báo chưa, điện thoại cho nhà báo nhanh lên?", đó là câu cửa miệng của bà con ở làng chài đối với các gia đình đang gặp nạn.

Câu chuyện cảm động lan tỏa đến bạn đọc. Các nhà chức trách nỗ lực đấu tranh qua đường ngoại giao để bảo vệ các ngư dân. Lực lượng cứu hộ trên biển thì tìm cách đưa ngư dân bị nạn vào đất liền sớm nhất. Những tấm lòng hảo tâm vượt ngàn dặm đường đến chia sẻ nỗi khó khăn mất mát với các góa phụ làng chài…

Đến các làng chài, có nơi, thấy nhà báo xuất hiện, ông thuyền trưởng đã gọi ngư dân đi bạn tập trung đông đủ trên tàu "để nhà báo phỏng vấn, chớp bóng anh em mình". Cứ thế, thông qua báo chí, người dân miền biển Quảng Ngãi được nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Còn bạn đọc hiểu thêm cuộc mưu sinh của các ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển đầy sóng gió.

Có nhiều thời điểm, ngày nào, thông tin về ngư dân Quảng Ngãi cũng được phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Ra Lý Sơn mới hiểu, nhờ báo chí, ngư dân đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và cá nhân trong cả nước. Sự giúp đỡ này đã góp phần động viên ngư dân kiên trì có mặt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

NHÀ BÁO DÕI THEO CON TÀU

Nằm trong khuôn khổ cuộc vận động "Góp đá xây Trường Sa", Báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Công ty cổ phần SPM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nghề cá và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chương trình "Chung tay vì sức khỏe ngư dân". Thực hiện chương trình này, 2.384 tủ thuốc và 600 áo phao được Báo Tuổi trẻ tặng cho ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Còn Báo Thanh Niên và Công ty trách nhiệm hữu hạn dầu nhờn GS Việt Nam xây dựng 25 ngôi nhà nhân ái cho ngư dân nghèo ở địa bàn biển đảo 5 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Khánh Hòa. Đây là những địa phương có đội tàu đông đảo thường xuyên bám biển và đánh bắt ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  

Thông qua chương trình "Đồng hành cùng ngư dân bám biển", Báo Sài Gòn tiếp thị đã trao 243 suất học bổng cho con em ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn. Mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng (tổng số tiền là 121.500.000 đồng). Hỗ trợ 29 bộ máy tính cho con em ngư dân và trường học ở huyện đảo Lý Sơn.

Thực hiện chương trình này, Ngân hàng Đông Á đã giải ngân hơn 3 tỷ đồng cho ngư dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vay vốn để phát triển tàu cá, đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Vừa qua, 2 tàu cá của ngư dân Trần Hiền và Lê Vinh bị bắt giữ, chỉ trong vòng 1 tháng, gia đình các thuyền viên đã được hàng chục cơ quan, tổ chức ra đảo động viên. Mỗi gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng. Thuyền trưởng được hỗ trợ và vay vốn hàng trăm triệu đồng để sắm tàu thuyền và ngư lưới cụ. Sự giúp đỡ đó là nhờ cầu nối của báo chí.  


T.TRUNG
 


.