Phát triển công nghiệp là khâu đột phá xây dựng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi (*)

03:09, 28/09/2010
.
Bài phát biểu của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII 
 
(Tiêu đề của toà soạn)        

 
 
- Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội; thưa đồng chí Trần Đức Lương - nguyên UV BCT, nguyên Chủ tịch nước            

- Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

- Thưa các đồng chí! 

 
Hôm nay, theo sự phân công của Bộ Chính trị, tôi rất vui mừng được cùng các đồng chí lãnh đạo và đại diện các ban ngành TW về Quảng Ngãi - một địa phương có truyền thống lịch sử và cách mạng hào hùng và đang vươn lên mạnh mẽ hiện nay - dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010-2015. 
 
Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt chào mừng 350 đại biểu ưu tú của Đảng bộ tỉnh; chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các vị khách quý về dự Đại hội và qua các đồng chí, xin gửi tới cán bộ, đảng viên, tới chiến sĩ và toàn thể đồng bào Quảng Ngãi lời chào trân trọng và những tình cảm thân thiết. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng sự trông đợi của toàn Đảng bộ, của nhân dân trong tỉnh và kỳ vọng của Trung ương.
 
Thưa các đồng chí,
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại đại hội.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tô Huy Rứa hoan nghênh và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Ngãi đã đạt được trong 5 năm qua, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. 
Năm năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đều đạt và vượt, đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản thoát ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, một số chỉ tiêu quan trọng đã vượt cao hơn dự kiến như tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 18,53%; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1198 USD, vượt 20%, gấp 3,79 lần năm 2005; quy mô kinh tế tăng lên đáng kể.
 
 
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng định hướng. Công nghiệp phát triển nhanh đã tạo được bước đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp và nông thôn phát triển tương đối toàn diện, năng suất nhiều loại cây trồng tăng khá, lâm nghiệp và thủy sản được chú trọng phát triển. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Đặc biệt, Khu Kinh tế Dung Quất đã thành động lực phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.
 
 
Đến nay, ở Khu kinh tế đã có 140 dự án được chấp nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 10,7 tỷ USD, tạo ra được 12.000 việc làm. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tiến bộ về quy mô và chất lượng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chuyển biến mạnh về chất, theo sát yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 31,94% năm 2005 đến nay còn 15%). Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
 
Đảng bộ đoàn kết, nhất trí cao, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng lên, đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng, chất lượng, nhiệt tình, trách nhiệm, trung thành với sự nghiệp của Đảng. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố vững chắc.
 
Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt biểu dương Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã nỗ lực phấn đấu, phát huy có hiệu quả truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ qua. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tựu đó.
 
Thưa đại hội, Bộ Chính trị tán thành và đánh giá cao thái độ nghiêm túc, thắng thắn và cầu thị  của Đảng bộ trong kiểm điểm về những thiếu sót, hạn chế, kiểm điểm đã nêu trong các báo cáo. Chúng ta thấy Quảng Ngãi vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ còn một số hạn chế, yếu kém. Một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2005-2010 chưa hoàn thành, có mặt thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các vùng. Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh còn ở mức thấp so với cả nước. Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn phát triển chậm; nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, giá trị tạo ra trên một đơn vị canh tác đất nông nghiệp còn thấp.
 
 
Công tác quy hoạch, bảo vệ tài nguyên, môi trường, huy động các nguồn lực chưa theo kịp yêu cầu. Lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đời sống của một bộ phận nhân dân ở nông thôn, miền núi, tái định cư còn nhiều khó khăn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số yếu kém chậm khắc phục. Sự bảo thủ, trì trệ, cách làm cũ còn nặng nề; năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế và thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.
 
Tôi đề nghị Đại hội phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, phân tích, làm rõ những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ qua để xác định đúng đắn phương hướng và giải pháp khắc phục thực sự có hiệu quả cao trong nhiệm kỳ tới.
 
Vừa qua, chỉ đạo việc chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII chuẩn bị, nhất là chủ đề, mục tiêu, một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh và bình quân đầu người, tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP 5 năm tới, các nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ tới. Các đồng chí cần bàn bạc kỹ trong Đại hội để thực hiện bằng được các mục tiêu trên. Để góp ý với Đại hội, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung sau, mong các đồng chí tập trung suy nghĩ và thảo luận.
 
5 năm tới và trong những năm tiếp theo tỉnh cần phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tiềm năng lớn và mọi nguồn lực, lợi thế so sánh và những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua để đẩy mạnh CNH, HĐH, thay đổi mô hình tăng trưởng. Quảng Ngãi nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, có những điều kiện thuận lợi thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì vậy phải chú trọng phát triển công nghiệp, coi đó là khâu đột phá xây dựng kinh tế toàn tỉnh; Trung ương đã có chủ trương mở rộng KKT Dung Quất phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng, xây dựng trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, mở rộng Nhà máy Lọc dầu hiện có, đầu tư xây dựng Cảng nước sâu mới. Tỉnh cần trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ to lớn này và tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ công nhân, tri thức, chuyên gia góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ và hội nhập quốc tế.
 
Trong khi đẩy mạnh phát triển công nghiệp cần bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa các lĩnh vực, các vùng. Tỉnh cần xem CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng được nhiều xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và giá trị canh tác nông nghiệp bình quân trên 1ha đạt 40-45 triệu đồng. Phát huy thế mạnh của biển, tỉnh phải giàu lên từ biển; phát triển toàn diện ngành thủy sản đồng thời bảo đảm an toàn cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển.
 
Tập trung cho nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền núi so với các vùng khác của tỉnh, tìm tòi chủ trương mới về phát triển KT-XH, thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ sản xuất; giáo dục và đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách đối với cán bộ; phát triển kết cấu hạ tầng để thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ.
 
Xây dựng quy hoạch và huy động các nguồn lực phát triển hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường để phát huy vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
 
Chú trọng phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, tiếp tục phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, nâng cao năng lực đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh, hình thành nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45% (năm 2010 mới đạt 28%). Đồng thời, đưa khoa học và công nghệ trở thành là một trong những động lực của sự phát triển nhanh và bền vững.
 
 
Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, chú trọng công tác y tế dự phòng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực của các cơ sở y tế và y đức của y, bác sĩ. Phát huy tính tích cực, chủ động của cộng đồng trong thực hiện chính sách xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và chính sách giải quyết việc làm.
 
Trong nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tỉnh cần tạo sự chuyển biển mạnh mẽ hơn nữa về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng cho được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh; từng bước hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức ở cơ sở có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và yêu cầu của thời kỳ mới.
 
Phát huy dân chủ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc là yêu cầu cấp thiết, là động lực to lớn thực hiện tốt các nhiệm vụ nặng nề trên, trong đó tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế dân vận của hệ thống chính trị và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của tỉnh phải gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo.
 
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ là nhân tố quyết định đảm bảo cho sự phát triển của tỉnh, vì vậy Đảng bộ phải tạo được bước tiến mới trong xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thường xuyên chú trọng giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ lý luận, năng lực nhận thức và thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng trên cơ sở đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ. Tiếp tục đưa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, thành nhiệm vụ tự giác, thường xuyên trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội.
 
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc của tỉnh, xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định sự thành bại đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ trong thời kỳ mới. Đặc biệt chú trọng trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thu hút nhân tài, trong đó cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là vùng miền núi.
 
Trong những năm tới cần dồn sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng. Đổi mới và tăng cường công tác quản lý đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; góp phần trực tiếp, có hiệu quả cao vào cuộc đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
 
Thưa các đồng chí,
Cùng với việc thảo luận dân chủ các văn kiện quan trọng của Đảng bộ trình Đại hội, Đại hội cần tổ chức nghiên cứu sâu, thảo luận kỹ, góp ý kiến thiết thực vào các dự thảo văn kiện quan trọng trình Đại hội XI của Đảng. Đồng thời, Đại hội cần công tâm, sáng suốt bầu được một Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII gồm những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và năng lực tốt, có uy tín trong Đảng, trong xã hội; có tư duy đổi mới; có khả năng đoàn kết; phong cách làm việc dân chủ, sâu sát; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
 
Bộ Chính trị đánh giá cao những thành tựu và sự đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nên đã chọn Quảng Ngãi là một trong những đảng bộ thực hiện thí điểm chủ trương Đại hội trực tiếp bầu Bí thư Tỉnh ủy. Đây là chủ trương mới, nhằm phát huy dân chủ trực tiếp trong Đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Tôi đề nghị các đại biểu cần quán triệt mục tiêu, yêu cầu của Trung ương, sáng suốt lựa chọn được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu định hướng của Bộ Chính trị.
 
Đại hội sẽ bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XI của Đảng bao gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu cho trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, có khả năng đóng góp ý kiến một cách sáng tạo cho các văn kiện trình Đại hội.
 
Thưa các đồng chí,
Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng quý báu, rất đáng tự hào. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi luôn đi đầu trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm năm xưa và ngày nay đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ ngàn đời nay, người dân Quảng Ngãi cần cù, không cam chịu nghèo nàn, thông minh, hiếu học, có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
 
 
Trân trọng truyền thống và thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi, Trung ương hoàn toàn tin tưởng Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi sẽ đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, nâng cao không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội và nhân dân giao phó.
 
Một lần nữa, thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin chúc các đại biểu và các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi. Chúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII thành công rực rỡ.
 
Xin chân thành cảm ơn.

.