Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi

03:03, 20/03/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Ngày 20/3, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn.
[links()]
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Phiên chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời, được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
 
Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương.
 
Cùng tham dự phiên chất vấn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh cư trú trên địa bàn tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan. 
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)
 
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, xuất phát từ tình hình thực tế và thống kê việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
Thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án nhân dân (TAND), chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế như: Vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định; tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra… 
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ảnh: quochoi.vn).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ảnh: quochoi.vn).
 
Đối với ngành KSND, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hơn 10 năm qua với khối lượng công việc phải thực hiện tăng lên gấp đôi, yêu cầu pháp luật ngày càng cao, chế độ chính sách, cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhưng với phương châm đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, thực chất, hiệu quả, liêm chính vượt khó, chuyên nghiệp, toàn ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra…. 
 
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian chất vấn diễn ra trong một ngày, nội dung chất vấn cả 2 lĩnh vực đều có phạm vi rộng, do đó đề nghị các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không nên đi sâu vào các vụ án chi tiết cụ thể, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao để góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp hữu hiệu và khả thi mỗi chất vấn.
 
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Quảng Ngãi.
 
Với tinh thần xây dựng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng cử tri những thông tin chính thống và kết quả công tác của ngành mình. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.
 
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, qua phiên chất vấn sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới; nhất là phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” như Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án (ảnh quochoi.vn).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án (ảnh quochoi.vn).
 
Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tòa án. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Bộ trưởng các bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
 
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực tòa án, đã có 35 ĐBQH đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu phát biểu tranh luận xoanh quanh nhóm vấn đề về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
 
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn (ảnh: quochoi.vn).
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn (ảnh: quochoi.vn).
 
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với lĩnh vực tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao diễn ra rất sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào những vấn đề thuộc nội dung chất vấn, đi sâu vào vấn đề đại biểu và cử tri cả nước, cũng như dư luận xã hội quan tâm và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của ngành Tòa án.
 
Với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý đã từng có kinh nghiệm trả lời chất vấn nhiều lần nên Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm tranh luận. Chánh án TAND tối cao cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án trong thời gian tới, nhất là tập trung vào các khâu, nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành Tòa án theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như mong muốn của cử tri và Nhân dân cả nước. 
 
Theo chương trình, buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực kiểm sát. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Chánh án TAND Tối cao; bộ trưởng các bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
 
Báo cáo 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, TAND Tối cao cho biết, từ năm  2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2 triệu 427 nghìn 859 vụ án các loại trong tổng số 2 triệu 490 nghìn 699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của 5 năm trước (2013 - 2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507 nghìn 849 vụ; đã giải quyết tăng 487 nghìn 903 vụ.
 
Mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp nhưng các Tòa án đã chủ động triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Đặc biệt, năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29 nghìn 944 vụ so với năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%.
 
Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
N.ĐỨC

.