Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tình hình kinh tế - xã hội

02:05, 25/05/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. 
 
[links()]
 
Tổ thảo luận số 9 có 26 đại biểu, gồm 4 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đã tham gia thảo luận nhiều nội dung.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (bên phải) trao đổi với các đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (bên phải) trao đổi với các đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5. ẢNH: CẨM BÌNH
 
Mở đầu phiên thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi mở, đại biểu cần đánh giá các báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp lần này đã đạt yêu cầu hay chưa? Vì sao có việc dự báo thấp, tăng trưởng thấp mà thu ngân sách lại cao, liệu có bền vững? Nguyên nhân quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia 2 năm qua bị chậm là gì? Việc phân bổ ngân sách cho nhiều dự án liệu có dàn trải?... 
 
Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Ngọc Huy chia sẻ, trong năm 2021, bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng.
 
Cụ thể, đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Duy trì và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. Hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội…
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy (bên trái) tham dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. ẢNH: CẨM BÌNH
 
Bên cạnh “điểm sáng” trong phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng cho rằng, các dự án quan trọng quốc gia còn triển khai chậm so với kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Như dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), hết năm 2021 mới giải ngân được 63% kế hoạch đã giao; còn 304ha thuộc diện tích xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) và 340,59ha thuộc diện tích đất dự trữ chưa được giải phóng mặt bằng.
 
“Các chương trình mục tiêu quốc gia chậm phân bổ vốn đã tác động đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, đại biểu Đặng Ngọc Huy nhấn mạnh.
 
Theo đại biểu Đặng Ngọc Huy, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn chậm. Trong 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân được 16,36% kế hoạch giao; 17 bộ, ngành chưa thực hiện giải ngân.
 
Đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm 2022, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, các diễn biến phức tạp trên thế giới khiến giá năng lượng tăng kỷ lục, đứt gãy chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát trong năm nay. “Để hạn chế lạm phát cần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư”, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề xuất.
 
Quang cảnh phiên họp tổ sáng 5/5. Ảnh: CẨM BÌNH
Quang cảnh phiên họp tổ sáng 25/5. ẢNH: CẨM BÌNH
 
Thảo luận về việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, đại biểu Đặng Ngọc Huy nhấn mạnh, công tác này được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
 
Gần đây, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nhiều vụ án hình sự như: “Tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) hay “Thao túng thị trường chứng khoán” tại Tập đoàn FLC…
 
“Để công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn, Quốc hội cần rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, chứng khoán, đất đai…”, đại biểu Đặng Ngọc Huy nói.
 
Tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng nêu thực trạng, hiện nay, nhiều địa phương chưa xây dựng được phương án xử lý, quản lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
 
Trong khi đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan bày tỏ sự quan tâm đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần có chính sách BHYT, hỗ trợ học sinh, vốn ưu đãi cho người nghèo...
CẨM BÌNH - HOÀNG ANH
 

.