Sẵn sàng phương án "4 tại chỗ"

09:10, 07/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chiều 6/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lũ. Dự hội nghị ở điểm cầu Quảng Ngãi có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh.
[links()]
 
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới.             Ảnh: CHÍ TUỆ
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, dự báo ATNĐ trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và gây mưa to đến rất to, riêng ở khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, từ đêm 6/10 sẽ có nơi mưa đặc biệt lớn. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập cục bộ tại các vùng trũng thấp, ven sông là rất cao.
 
Tại Quảng Ngãi, để chủ động ứng phó với ATNĐ và mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và lực lượng liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến ATNĐ và mưa lũ. Hiện đã có 1.592 tàu thuyền neo đậu tại 5 cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh. Chính quyền huyện Lý Sơn cũng hướng dẫn người dân di chuyển 51 lồng bè hải sản đang nuôi trên biển vào Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn và neo buộc an toàn. Tuy nhiên, đến chiều 6/10, vẫn còn 387 tàu/3.962 lao động hoạt động trên biển, trong đó có 13 tàu trong vùng nguy hiểm và đã được lực lượng chức năng thông báo để tìm nơi tránh trú.
 
Ngư dân khẩn trương đưa tàu vào cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để tránh trú phòng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Ngư dân khẩn trương đưa tàu vào cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để tránh trú phòng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Dự báo từ ngày 6 - 8/10, các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương chủ động huy động tối đa lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng di dời, sơ tán khoảng 6.963 hộ (24.550 nhân khẩu), gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
 
Kết luận cuộc họp, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Trần Quang Hòa đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát và triển khai ngay phương án ứng phó với ATNĐ và mưa lớn, trọng tâm là sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân khu vực ngập lụt và sạt lở đất, ven biển theo dạng xen ghép, hạn chế tối đa việc tập trung. Yêu cầu ngư dân đưa phương tiện vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Ngoài ra, chính quyền các địa phương quan tâm tiếp nhận tàu cá và bố trí ngư dân các tỉnh vào nơi tránh trú an toàn, gắn với tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...             
        
Tin, ảnh: MỸ HOA
 
 
Phòng chống chuối gãy đổ
 
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên từ ngày 6 - 8/10, khu vực Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vì vậy, người dân xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã chủ động tìm cọc tre chống đỡ cây chuối để tránh gãy đổ.
 
Xã Hành Tín Đông là “thủ phủ” trồng chuối, nổi tiếng với những vườn chuối ngự trĩu quả. Xã có 50 hộ trồng 20ha chuối ngự và các loại chuối khác. Nhờ có cây chuối nên thu nhập của người dân được cải thiện, bình quân thu 40 tạ/ha, mỗi năm thu 100- 150 triệu đồng/ha.
 
Bắt đầu vào mùa mưa, cây chuối phát triển nhanh hơn do đủ nước, việc thu hoạch chuối diễn ra liên tục từ tháng 9 âm lịch đến giáp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời điểm này, bão lũ diễn ra dễ gây thiệt hại lớn.
 
Ông Lê Xuân Hòa, ở xã Hành Tín Đông cho biết, tôi trồng 1ha chuối ngự, chuối lùn, chuối mật... Ngay từ đầu mùa, tôi đã dùng rất nhiều cây tre để chống đỡ cây chuối. Thậm chí, một số nhà vườn còn dùng cả những cây sắt chụm lại để chống cây chuối. Bên cạnh đó, việc tạo mương thoát nước cho hàng chuối cũng tránh ngập gây thối gốc.       
             
NG.DIỆU - B.LOAN

 

 
 
 

.