Yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong cải cách hành chính

02:09, 30/09/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 30/9, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã thảo luận, góp ý dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XX về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
[links()]
 
Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XX về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); nâng cao thứ hạng các chỉ số CCHC, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính phục vụ nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu của cơ quan hành chính nhà nước.
 
Nghị quyết đề ra chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu Chỉ số CCHC, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công xếp thứ hạng tăng bình quân mỗi năm từ 5 – 8 bậc; đến năm 2025, xếp thứ hạng từ 25 – 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021, xếp thứ hạng từ 20 – 30/63; đến năm 2025, xếp thứ hạng từ 10 – 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%...
 
Phó Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì phần thảo luận dự thảo nghị quyết
Phó Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì phần thảo luận dự thảo nghị quyết
Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu trên, dự thảo Nghị quyết cũng xây dựng 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường siết chặt việc triển khai thực hiện công tác CCHC; quan tâm bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác CCHC. 
 
Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề bất cập và nguyên nhân dẫn đến công tác CCHC của tỉnh ta trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. 
 
Các đại biểu cho rằng công tác CCHC của tỉnh đạt hiệu quả thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra ở nhiệm kỳ trước, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tác nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu, ngang tầm nhiệm vụ.... 
 
Các đại biểu phát biểu thảo luận
Các đại biểu phát biểu thảo luận
Để tạo chuyển biến rõ rệt về CCHC trong những năm tới, các đại biểu cho rằng, CCHC phải gắn với nhân tố con người, lấy nhân tố con người là trung tâm để thực hiện, phải xuất phát từ sự cải tiến công việc, thái độ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. 
 
Đồng thời, cần phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo đến cấp dưới, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, nâng cao thứ hạng các chỉ số về CCHC, hiệu quả quản trị hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung vào những rào cản, vướng mắc, rà soát chỉ số thành phần đạt thấp, chỉ ra nguyên nhân, yếu kém tồn tại để có giải pháp cụ thể tháo gỡ.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với lộ trình, bước đi phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính;…
H.P

.