Bia, rượu và luật mới

09:12, 31/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.1.2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người, kể cả việc điều khiển xe dành cho người khuyết tật, tức xe ba bánh.
Hiểu một cách nôm na là, hễ đã uống rượu, bia thì dẫu có đi bằng xe đạp cũng sẽ bị nghiêm cấm hoàn toàn. Mọi người hết sức lưu ý chi tiết này. Sở dĩ phải lưu ý là vì, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, cấm uống rượu, bia chỉ dành cho người đi xe máy và ôtô, còn đi xe đạp thì không. Lý do là đi xe đạp vận tốc không đáng kể, không gây nguy hiểm cho bản thân người uống rượu, bia và cho người khác nên cấm làm gì!
 
Đó là quy định từ năm 2008, còn năm 2020 thì cấm tất cả các loại phương tiện giao thông nếu người điều khiển đã uống rượu, bia, dù chỉ là uống với số lượng ít nhất. Với quy định trên, chỉ còn một cách hiểu đó là, hễ uống rượu, bia thì đi taxi, grab hoặc xe ôm, còn không thì… đi bộ mới không bị phạt.
 
Không dễ tìm sự đồng thuận ngay của mọi người khi bắt buộc phải chấp hành quy định trên. Vì rằng, uống rượu, bia là một phần trong sinh hoạt của người dân Việt Nam lâu nay. Thậm chí, uống rượu, bia như một nhu cầu tất yếu của nhiều người sau thời gian làm việc căng thẳng hoặc trong các dịp liên hoan, lễ Tết.
 
Quy định ngặt như thế thì bán rượu, bia cho ai? Câu hỏi này không chỉ đặt ra cho người uống rượu, bia mà cho cả những nhà máy sản xuất bia, rượu - mặt hàng nước uống luôn dẫn đầu trong tiêu thụ của người Việt lâu nay. Đó cũng là nguồn thu rất lớn của ngành thuế vì mặt hàng này được xếp vào dạng thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
Đang “ăn nên làm ra”, giờ quy định mới gây quá nhiều khó khăn cho ngành bia, rượu như thế, liệu có ảnh hưởng lớn đến việc thu ngân sách hay không? Những thắc mắc trên, có lẽ các nhà quản lý cũng đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quy định này rồi.
 
Có thể sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu sau khi quy định trên đi vào cuộc sống, song mọi người sẽ dần quen với việc không dùng bia, rượu khi chạy xe trên đường. Vì đây là một nét văn minh mà cả thế giới đã và đang hướng đến. Mọi người rồi cũng sẽ dần quen với quy định và sẽ ủng hộ nếu như biết rằng, mỗi ngày nước ta có 30 người ra khỏi nhà mà không trở về do tai nạn giao thông. Mỗi năm có gần một vạn người chết, hàng vạn người khác bị thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. 
 
Cứ nghĩ mà xem, chỉ cần một trận bão tràn qua địa phương nào đó làm chết chừng vài trăm người thì cả nước đã bàng hoàng rồi, còn tai nạn giao thông thì chết gần 10 nghìn người, một con số mà nếu bình tâm ngẫm nghĩ, sẽ không khỏi kinh hoàng! Trong số gần một vạn người “ra khỏi nhà mình mà không trở lại” ấy thì có đến 80% là trực tiếp uống rượu, bia hoặc bị người khác uống rượu, bia gây tai nạn. Chỉ có 20% số người bị chết vì tai nạn giao thông là từ những nguyên nhân khác.
 
Quy định về đội mũ bảo hiểm, lúc đầu cũng có nhiều ý khiến không đồng tình nhưng cuối cùng rồi mọi người đều chấp nhận vì đó là chủ trương đúng. Hy vọng quy định cấm uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông sẽ tìm được sự đồng thuận trong toàn dân, vì đây là chủ trương cần thiết lúc này.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.